8 dự án cao tốc Bắc - Nam từ PPP sang đầu tư công

28/03/2020 07:32 GMT+7

Thay vì chỉ chuyển 3 dự án cao tốc Bắc - Nam từ PPP sang đầu tư công, Chính phủ dự kiến sẽ chuyển đổi sang đầu tư công với cả 8 dự án PPP.

Điều này sẽ đảm bảo chắc chắn thành công cho dự án cao tốc Bắc - Nam, song kèm theo đó là áp lực lên ngân sách cũng như bài toán cân đối bố trí nguồn vốn đầu tư công.

Nhượng quyền khai thác

Theo thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ ngày 26.3, Chính phủ sẽ đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án PPP đường cao tốc Bắc - Nam phía đông và dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Đồng thời, bố trí mức vốn phù hợp từ nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách T.Ư năm 2019 cho các dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và đường cất hạ cánh, đường lăn của 2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu, kèm theo cắt giảm 5% so với dự toán khi triển khai thực hiện các dự án, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Với các dự án có tính hấp dẫn cao do lưu lượng phương tiện nhiều, phương án tài chính khả thi như Dầu Giây - Phan Thiết có thể cân nhắc giữ lại hình thức PPP để các nhà đầu tư tư nhân có cơ hội tham gia, cũng như đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.

PGS-TS Trần Chủng

Trước đó, Bộ GTVT từng tính toán và báo cáo Chính phủ 3 phương án điều chỉnh với các dự án cao tốc Bắc - Nam gồm: Phương án 1 chuyển đổi 3 dự án PPP cấp bách sang đầu tư công, giữ lại 5 dự án PPP. Phương án 2 chuyển đổi đầu tư công cả 8 dự án PPP. Phương án 3 tiếp tục thực hiện 8 dự án theo hình thức PPP.
Với phương án chuyển đổi đầu tư công 8 dự án PPP, cả 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư công. Bộ GTVT cũng kiến nghị, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền khai thác với 8 dự án để thu hồi vốn nộp ngân sách nhà nước.
Theo tính toán sơ bộ, sẽ ưu tiên sử dụng nguồn vốn đã bố trí còn lại 30.132 tỉ đồng để đầu tư trước 3 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Phan Thiết - Dầu Giây), kinh phí đầu tư khoảng 29.497 tỉ đồng (nguồn vốn đã bố trí còn lại khoảng 635 tỉ đồng), sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền khai thác để thu hồi vốn.
Với 5 dự án PPP còn lại, cần kinh phí đầu tư công khoảng 44.493 tỉ đồng, cân đối trong kế hoạch vốn giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư. Ưu điểm của phương án này là giai đoạn trước mắt chưa cần bổ sung vốn nhà nước, nhờ sử dụng nguồn vốn còn lại trong 55.000 tỉ đồng đã bố trí (đã được Quốc hội thông qua). Theo Bộ GTVT, việc chuyển đổi các dự án sang đầu tư công sẽ bảo đảm chắc chắn thành công dự án cao tốc Bắc - Nam, có thể thu hồi vốn nhà nước thông qua hình thức nhượng quyền khai thác sau khi hoàn thành đầu tư.
Tuy nhiên, nhược điểm là 5 dự án PPP còn lại sẽ chỉ triển khai được trong giai đoạn 2021 - 2025 sau khi cân đối được nguồn vốn. Điều này có thể gây khó khăn trong việc quản lý với mặt bằng đã được các địa phương giải phóng xong khi chưa thực hiện dự án. Mặt khác, dự án phải thông qua Quốc hội xem xét quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư và bổ sung nguồn vốn hoặc giai đoạn trung hạn 2016 - 2020 hoặc trung hạn 2021 - 2025. Nếu được các cấp thẩm quyền phê duyệt, Bộ GTVT cần tối thiểu 4 tháng để triển khai các thủ tục liên quan theo quy định. Trường hợp thuận lợi có thể khởi công các gói thầu đầu tiên của 3 dự án chuyển đổi trong cuối năm 2020, các gói còn lại chỉ có thể khởi công trong năm 2021.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, việc chuyển đổi sang đầu tư công hoàn toàn với 8 dự án PPP sẽ giải được 2 bài toán khó là vốn và nhà đầu tư. Trên thực tế, sau vòng sơ tuyển, các dự án PPP đã không lựa chọn được nhiều nhà đầu tư. Ngay cả khi đấu thầu thành công, nguy cơ dự án bể tiến độ vẫn hoàn toàn có thể xảy ra, do nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn tín dụng từ ngân hàng.

Đấu thầu hay chỉ định thầu ?

Góp ý chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án PPP cao tốc Bắc - Nam gửi Chính phủ mới đây, Bộ KH-ĐT cũng đề nghị Bộ GTVT trình cấp thẩm quyền xem xét việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Việc chỉ định thầu theo nguyên tắc, các doanh nghiệp (DN) được chỉ định phải có năng lực về tài chính, máy móc, thi công, nhân lực và kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự để đảm bảo chất lượng công trình cũng như tiến độ thi công, trong đó ưu tiên giao cho các DN xây dựng của Bộ Quốc phòng thực hiện. Trong việc chỉ định thầu cần quy định tiết kiệm từ 5 - 7% so với dự toán được phê duyệt của gói thầu được chỉ định; nghiên cứu xây dựng cơ chế thưởng, phạt rõ ràng với các nhà thầu được lựa chọn để thúc đẩy tiến độ các dự án... Văn phòng Chính phủ mới đây đã có công văn chuyển đề xuất của Bộ Quốc phòng gửi Thủ tướng về việc giao thầu thi công các dự án cao tốc Bắc - Nam cho các DN quân đội thực hiện.
Đáng chú ý, theo tính toán của Bộ GTVT trước đó, khi Bộ GTVT tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thuộc 3 dự án đầu tư công, thời gian kể từ thời điểm lập hồ sơ mời thầu đến phê duyệt kết quả đấu thầu mất khoảng 3,5 tháng (nếu chỉ định thầu khoảng 2,5 tháng). Trường hợp áp dụng hình thức chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư, thời gian rút ngắn không đáng kể so với hình thức đấu thầu rộng rãi.
Theo PGS-TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ, các DN xây dựng quốc phòng có thế mạnh làm đường và đã triển khai nhiều dự án giao thông chất lượng, có thể áp dụng chỉ định thầu với các đoạn tuyến quan trọng, có yếu tố an ninh quốc phòng.
“Các dự án cao tốc Bắc - Nam có rất nhiều gói thầu xây lắp, nên áp dụng đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn, thay vì chỉ định thầu tất cả các dự án”, PGS-TS Trần Chủng nêu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.