8 tháng ròng rã của thai phụ hiếm muộn chiến đấu với quá kích buồng trứng

04/11/2024 21:39 GMT+7

Sau hành trình 8 tháng chống chọi với bệnh tật, chị B.T.H.N (34 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) và các nhân viên y tế Bệnh viện Từ Dũ vui mừng chào đón bé gái khỏe mạnh chào đời.

Sau khi lập gia đình được hơn 1 năm mà chưa có tin vui, hai vợ chồng chị N. nhờ can thiệp hỗ trợ để có con. 6 tháng canh trứng nhưng vẫn thất bại. Hồi đầu tháng 3, bác sĩ quyết định tiêm 5 mũi thuốc kích thích trứng để làm IUI. Sau đó chị có tin vui sau khi thử beta HCG máu thấy có thai.

Tuy nhiên, khi thai được 8 tuần tuổi, bác sĩ phát hiện 2 buồng trứng của chị N. có quá nhiều nang noãn phát triển làm kích thước buồng trứng 2 bên to lên một cách bất thường. Chị N. luôn cảm thấy bụng căng tức khó chịu, phải tạm nghỉ việc, nằm nghỉ ngơi tại nhà.

Hai chân phù to, khó thở, cấp cứu liên tục

Thai được 16 tuần, chị N. không thể chịu nổi phải nhập cấp cứu Bệnh viện Từ Dũ vì thấy khó thở, hạn chế vận động, 2 chân phù to. Chị được theo dõi, điều trị hỗ trợ và chăm sóc dinh dưỡng.

Sau khi xuất viện, tình hình bệnh của chị N. ngày càng nặng hơn. Chân sưng không thể vận động được, bụng chướng to tận xương ức. Gần 12 tuần ròng rã ngày đêm chị phải chịu đựng tình trạng khó chịu này.

8 tháng ròng rã của thai phụ hiếm muộn chiến đấu với quá kích buồng trứng- Ảnh 1.

Phẫu thuật cắt lọc mô buồng trứng

BVCC

Đến tuần thai thứ 25, chị N. phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó thở dữ dội. Bác sĩ chuyên khoa 2 Vương Đình Bảo Anh (Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ) quyết định phẫu thuật giảm áp lực ổ bụng và cắt lọc mô buồng trứng quá kích 2 bên nhằm hy vọng cải thiện tình trạng quá kích buồng trứng.

Giảm 20 kg sau phẫu thuật cắt lọc mô buồng trứng

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện rất nhiều dịch vàng trong, hút ra hơn 10 lít. Bác sĩ cắt lọc mô buồng trứng quá kích 2 bên, sau đó may phục hồi và cầm máu kỹ buồng trứng nhằm tránh nguy cơ xuất huyết nội trong thời gian hậu phẫu.

Ngày thứ nhất sau mổ, cơ thể chị N. đã tự đào thải một lượng dịch tích trữ từ rất lâu nay. Chị từ 65 kg, sau 1 ngày còn lại 45 kg. Chị được chăm sóc dinh dưỡng với thực đơn đặc biệt mỗi ngày để tăng cường sức khỏe mẹ và bé. Ngoài ra, các chuyên viên tập vật lý trị liệu phải hỗ trợ chị N. tập ngày 2 lần.

Sau mổ 4 tuần, chị N. hồi phục sức khỏe gần như bình thường và được các bác sĩ cho xuất viện tái khám thai định kỳ.

Rối loạn dinh dưỡng do quá kích buồng trứng

Tuy nhiên, do ảnh hưởng quá kích buồng trứng kéo dài gây rối loạn dinh dưỡng khó hồi phục. Tái khám sau 2 tuần, cơ thể chị N. không lên cân, thai bắt đầu có tình trạng chậm tăng trưởng trong tử cung. Chị được tư vấn chế độ dinh dưỡng và theo dõi sát tình trạng thai máy, tái khám mỗi tuần.

8 tháng ròng rã của thai phụ hiếm muộn chiến đấu với quá kích buồng trứng- Ảnh 2.

Bé gái nặng 2.100 g chào đời khỏe mạnh

BVCC

Ngày 23.10, chị N. được bác sĩ cho nhập viện để chuẩn bị mổ lấy thai vì khung chậu hẹp, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, lúc này thai được 36 tuần 3 ngày.

Ngày 24.10, cuộc phẫu thuật thành công, bé gái cân nặng 2.100 g chào đời. Bé được bác sĩ sơ sinh hồi sức, đưa về khoa sơ sinh theo dõi. Sau 2 ngày bé ổn định hô hấp, tim mạch và tự bú tốt nên được đưa về với mẹ.

Đầu tháng 11, mẹ con chị N. được xuất viện trong niềm vui, hạnh phúc của gia đình và các nhân viên y tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.