80 cái tên liên quan, chỉ 1 người bị khởi tố !

16/04/2018 07:56 GMT+7

Hồ sơ vụ án cho thấy cơ quan điều tra đã triệu tập làm việc, lấy lời khai tổng cộng 80 cán bộ CSGT, TTGT liên quan. Vậy vì sao 79 người còn lại không bị xử lý trước pháp luật?

Lời khai của các bị cáo về việc đưa hối lộ cho CSGT, TTGT khớp nhau; bị cáo nhận diện qua ảnh chính xác với một số người; số điện thoại của CSGT, TTGT lưu trong máy bị cáo và thể hiện có sự liên lạc; hàng trăm xe quá tải đã được “bỏ qua”... Thế nhưng đến nay chỉ 1 CSGT bị khởi tố về tội “làm môi giới hối lộ”.
Như trong số báo ra hôm qua (15.4), Thanh Niên đã phản ánh khá rõ, 2 đường dây mua bán logo xe “vua” bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C45) triệt phá vào tháng 8.2015 do Nguyễn Văn Thới, Lê Thị Cẩm Vân cầm đầu. Dư luận rất quan tâm đến vụ án bởi theo Thới khai, đường dây của bị cáo thu được hơn 22,794 tỉ đồng, trong đó Thới sử dụng gần 5 tỉ đồng để đưa hối lộ 79 lần cho CSGT, TTGT, mỗi lần đưa từ 9 - 300 triệu đồng. Vân khai đường dây của bị cáo thu về hơn 7,9 tỉ đồng, trong đó Vân sử dụng 627 triệu đồng để đưa hối lộ cho các CSGT, TTGT với lần đưa ít nhất là 3 triệu đồng, nhiều nhất 150 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau 2 năm điều tra vụ án, có 10 bị cáo chuẩn bị đưa ra xét xử thì chỉ duy nhất bị cáo Nguyễn Cảnh Chân, nguyên cán bộ Đội 2, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai, bị truy tố về tội “làm môi giới hối lộ” (!). Trong khi đó, hồ sơ vụ án cho thấy cơ quan điều tra đã triệu tập làm việc, lấy lời khai tổng cộng 80 cán bộ CSGT, TTGT liên quan. Vậy vì sao 79 người còn lại không bị xử lý trước pháp luật?
Không có chứng cứ vật chất
Theo hồ sơ vụ án, quá trình điều tra, C45 phối hợp với Thanh tra Bộ Công an xác minh tại Công an TP.HCM, Công an tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Với lực lượng CSGT, cơ quan điều tra đã làm việc với 62 cán bộ. Trong đó, chỉ duy nhất Nguyễn Cảnh Chân thừa nhận có nhận tiền hối lộ của Thới để bảo kê xe chở quá tải; 7 cán bộ CSGT thừa nhận có quen biết Thới, Vân hoặc quen biết 1 trong 2 bị cáo nhưng không nhận tiền hối lộ để bảo kê xe quá tải, dù “có bỏ qua một số trường hợp lỗi nhẹ” nhưng chỉ giúp vì tình cảm, hoặc khai được Thới, Vân đặt vấn đề bảo kê xe “vua” nhưng đều từ chối; 54 CSGT còn lại trình bày không quen biết Vân, Thới và cam kết không có hành vi nhận tiền để bảo kê xe quá tải.
Cơ quan điều tra cũng tổ chức cho các bị cáo nhận dạng qua ảnh các cán bộ CSGT. Những bị cáo trực tiếp đưa hối lộ đã nhận dạng được 10 cán bộ. Số CSGT còn lại, các bị cáo khai do chỉ gặp mặt một lần, có người chỉ nói chuyện qua điện thoại, hoặc không nhận ra trong bản ảnh nhận dạng.
Đối với lực lượng TTGT, cơ quan điều tra xác minh ghi lời khai của 18 cán bộ. Trong đó, chỉ 2 người thừa nhận quen biết Vân, Thới và có một số lần giúp 2 bị cáo nhưng không nhận tiền bảo kê xe quá tải; 16 cán bộ còn lại khai không quen biết ai và không nhận tiền từ bất cứ bị cáo nào.
Sau khi điều tra, xác minh 79 cán bộ CSGT, TTGT liên quan, các cơ quan tiến hành tố tụng đều nhận định: lời khai của các bị cáo phù hợp với nhau về các khoản tiền đưa hối lộ cho 79 CSGT, TTGT được liệt kê; qua kiểm tra điện thoại thu giữ của các bị cáo thì có những số điện thoại các bị cáo liên lạc là của CSGT, TTGT mà cơ quan điều tra đang xác minh, điều tra. Điều đó thể hiện lời khai của các bị cáo về mối quan hệ đưa tiền hối lộ cho CSGT, TTGT là có căn cứ. Tuy nhiên, đa số các cán bộ này không thừa nhận hành vi nhận tiền hối lộ của các bị cáo để bảo kê xe quá tải. Tuy có lời khai của các bị cáo và tài liệu sổ sách ghi lại số tiền đưa hối lộ, tên cán bộ nhận hối lộ, nhưng tất cả chỉ là tài liệu một phía, không có chứng cứ vật chất và không có tài liệu khác chứng minh. Do đó, Cơ quan CSĐT chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hối lộ của 79 CSGT, TTGT theo lời khai của Thới, Vân và đồng phạm.
Xem xét mối quan hệ nhân quả
Phó viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM Võ Văn Thêm cho rằng, với những chứng cứ cơ quan điều tra thu thập được, đủ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cán bộ CSGT, TTGT liên quan. Ông Thêm phân tích: “Do CSGT và TTGT đều khai không nhận tiền của các bị cáo nên nguyên tắc ngoài lời khai của các bị cáo còn phải có chứng cứ khác để chứng minh hành vi vi phạm của CSGT, TTGT. Nhưng nên hiểu rằng, trong vụ án này không phải chỉ có một bị cáo khai đã đưa hối lộ cho CSGT, TTGT mà có nhiều bị cáo khác đều khai tương tự. Hơn nữa, các lời khai này đều trùng khớp số tiền, số lần đưa và tên từng CSGT, TTGT nhận hối lộ. Như vậy, phải hiểu rằng có căn cứ để xem xét các lời khai của từng bị cáo trong vụ án. Đồng thời, ngoài lời khai chống lại CSGT, TTGT, cơ quan điều tra đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ khác để chứng minh sự liên quan của lực lượng CSGT, TTGT như kiểm tra các số điện thoại liên lạc; đối chiếu tài liệu sổ sách ghi chép tiền đưa hối lộ cho một số cán bộ CSGT, TTGT... Những tài liệu này chính là các chứng cứ khác mà cơ quan điều tra cần ghi nhận, đánh giá”.
Từ phân tích trên, theo ông Thêm: “Cần đánh giá toàn diện vụ án, rằng có mối quan hệ nhân quả, mật thiết giữa các hành vi với nhau. Cụ thể, có hiệu quả từ việc bán logo và mua logo xe “vua”. Hiệu quả đó chính là có 406 trường hợp (502 xe) mua logo xe “vua” được bao quá tải trên các tuyến đường thuộc TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Và hiệu quả này cũng do cơ quan điều tra làm rõ qua các lời khai của tài xế, chủ xe. Vậy phải làm rõ nếu không có mối quan hệ “trao đổi” thì tại sao không quen biết mà bỏ qua nhiều trường hợp vi phạm lỗi xe quá tải như vậy, bỏ qua liên tục, nhiều lần cho một xe, tài xế? Khi không giải quyết được bản chất thật sự của vụ án, sẽ tạo tiền đề cho một số cán bộ CSGT, TTGT biến chất ngang nhiên nhận hối lộ và tình trạng bảo kê vẫn tiếp diễn”.
Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao, nhìn nhận: “Trong tội danh nhận hối lộ, có chứng cứ vật chất hay không là không quan trọng. Ở vụ án này, chứng cứ trực tiếp là lời khai của các bị cáo và các lời khai này thống nhất với nhau. Lời khai của nhiều tài xế, chủ xe về việc được CSGT, TTGT bỏ qua lỗi vi phạm quá tải khi họ mua logo xe “vua” từ các bị cáo. Chứng cứ gián tiếp là xác minh số điện thoại, đơn vị công tác, tên các CSGT, TTGT qua lời khai của các bị cáo đều phù hợp; là sổ sách ghi chép. Vì vậy, nếu nói chưa đủ chứng cứ là chưa thuyết phục; quan trọng là việc đánh giá chứng cứ thế nào phụ thuộc vào người chứng minh, các cơ quan tiến hành tố tụng”.
Nguyễn Cảnh Chân môi giới hối lộ, vậy ai nhận hối lộ ?
Ngày 18.12.2016, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố nguyên cán bộ Đội CSGT số 2, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai Nguyễn Cảnh Chân về tội “nhận hối lộ”. Từ tháng 7.2014 - 8.2015, Chân đã nhận của Thới hơn 1,2 tỉ đồng bằng hình thức chuyển tiền qua tài khoản của vợ Chân.
Theo cáo trạng, quá trình Chân công tác tại Đội CSGT số 1, Thới chủ động gặp, đặt vấn đề, thống nhất với Chân về việc bảo kê xe vi phạm có dán logo “garage Thành Đô” chạy trên địa bàn do Đội CSGT số 1 quản lý. Chân khai, khi nhận tiền của Thới, bị cáo đã đưa hơn 659 triệu đồng cho nguyên Đội trưởng Đội CSGT số 1 V.V.S (đã chết), đưa 300 triệu đồng cho ông Đ.H.T (nguyên Phó trưởng phòng PC67 Công an tỉnh Đồng Nai từ tháng 4.2015 - 8.2015). Theo đó, mỗi khi Thới điện thoại báo xe tải mua logo đang bị kiểm tra, Chân đều phải điện cho ông S. và ông T. can thiệp bỏ qua.
Sau khi Viện KSND tối cao trả hồ sơ điều tra bổ sung, cơ quan điều tra đổi tội danh Chân từ “nhận hối lộ” sang “làm môi giới hối lộ”. Theo cơ quan điều tra, Chân là cán bộ CSGT nhưng là cấp dưới, không có chức năng, thẩm quyền bỏ qua lỗi xe vi phạm. Mỗi khi Thới nhờ, Chân đều phải điện thoại báo cấp trên can thiệp. Vì vậy, Chân đã có hành vi làm trái công vụ, nhận tiền của Thới đưa cấp trên nhằm bảo kê xe quá tải mua logo, thuộc tội danh “làm môi giới hối lộ”.
Dù hồ sơ xác định Chân nhận tiền của Thới đưa cấp trên nhưng do một cấp trên là ông S. đã mất, còn lại ông T. khai không quen biết, không nhận tiền của Thới nên không bị xử lý hình sự. Từ đó, Chân phải chịu trách nhiệm toàn bộ số tiền đã nhận hối lộ của Thới là hơn 1,2 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.