80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam: Công dân toàn cầu và ngoại giao văn hóa

27/04/2023 07:04 GMT+7

Các hoạt động ngoại giao văn hóa của Chính phủ và sự có mặt của các công dân toàn cầu người Việt sẽ giúp quảng bá hình ảnh VN tốt hơn.


Không bị rào cản ngôn ngữ, văn hóa

Công dân toàn cầu là vấn đề GS-TS Phạm Tất Dong, Hội Khuyến học VN, nêu ra trong bài viết của mình về chủ đề "80 năm Đề cương về văn hóa VN khởi nguồn và động lực phát triển". Theo GS-TS Dong, dòng chảy toàn cầu hóa mang theo rất nhiều giá trị khác nhau từ quốc gia này tới quốc gia khác, tạo nên một thế giới dần dần có độ phẳng hơn trước. Trong các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ, khoa học, giáo dục… nhiều giá trị đã thẩm thấu qua biên giới quốc gia, làm cho các quốc gia dần có những nét giống nhau trong ẩm thực, thời trang, vui chơi, giải trí, học hành. "Rồi có lẽ từ sự hình thành các công ty đa quốc gia, người ta thấy xuất hiện mẫu công dân toàn cầu", GS-TS Dong nêu quan điểm.

Theo GS-TS Dong, công dân toàn cầu được hiểu là những người sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau, có thể là một hoặc nhiều quốc tịch, và do đó, họ mang trong nhân cách của mình nhiều màu sắc văn hóa ngoài những nét văn hóa bản địa, nơi họ sinh ra và gọi là quê hương.

80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam:Công dân toàn cầu và ngoại giao văn hóa - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang (trái) là một “công dân toàn cầu”, cũng là người mang được âm nhạc dân tộc VN tới công chúng quốc tế

NVCC

Cũng theo ông Dong: "Công dân toàn cầu là người đi ra thế giới mà không bị các rào cản về ngôn ngữ, văn hóa và việc làm. Họ tôn trọng văn hóa của các dân tộc khác, chấp nhận luật pháp của quốc gia khác và chung sống với người khác về văn hóa, tập tục, thói quen là một phẩm chất cần thiết với họ. Theo thời gian, số người trở thành công dân toàn cầu sẽ ngày càng đông hơn".

Nhìn khái niệm công dân toàn cầu với góc nhìn Đề cương về văn hóa VN, ông Dong phân tích: "Nền văn hóa với tính dân tộc, khoa học, đại chúng có giá trị hết sức cơ bản với sự phát triển của xã hội. Nền văn hóa đó nói lên rằng, nó là cội nguồn sức mạnh của dân tộc ta, của đất nước ta, là động lực phát triển đưa quốc gia của chúng ta đi vào hiện đại. Để đi vào xã hội trí thức, và tiếp theo là xã hội thông minh, chúng ta cần bổ sung nhiều giá trị mới để hoàn chỉnh nền văn hóa trong những điều kiện mới. Đó là văn hóa học tập suốt đời, văn hóa mạng, lối sống của công dân toàn cầu, đạo đức nghề nghiệp trong hệ thống công nghiệp thông minh…".

Chính vì thế, để có nhiều công dân toàn cầu hơn, ông Dong cho rằng: "Điều kiện hàng đầu để VN hội nhập hiệu quả vào thế giới hiện đại, sánh vai với các quốc gia hùng mạnh, chung sống hòa bình với tất cả các dân tộc trong một ngôi nhà toàn cầu chính là nền văn hóa hiện đại mà chúng ta cần xây dựng, vun đắp".

Ngoại giao nhân dân, ngoại giao văn hóa…

TS Bùi Nguyên Bảo, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, cho rằng về sức mạnh phi vật chất, VN có thể phát huy tối đa những nguồn lực sức mạnh mềm như Joseph Nye đề cập, gồm văn hóa, hệ giá trị chính trị và sức hấp dẫn của các chính sách đối nội, đối ngoại… TS Bảo cũng cho rằng: "VN cần lan tỏa sức mạnh phi bạo lực qua thông điệp trong các chiến lược ngoại giao công chúng, ngoại giao nhân dân, ngoại giao văn hóa… để nâng cao uy tín, sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch, du học sinh, người nhập cư, sự tiên phong trong công nghệ và cách mạng công nghiệp 4.0. Người VN đến châu Phi không mang theo ý đồ khai thác tài nguyên hay bẫy nợ. Dấu ấn viễn thông và nông nghiệp VN ở một số quốc gia kém phát triển hơn không tạo ra thông điệp về nguy cơ xâm lăng kinh tế và văn hóa".

Bên cạnh đó, ông Bảo cũng dẫn chứng những câu chuyện ngoại giao văn hóa "lệch". Chẳng hạn, mang vở diễn đi dự liên hoan sân khấu ở nước ngoài nhưng lại lựa chọn kịch bản không phải của VN. Câu chuyện mang màu sắc nước ngoài này tuy được dàn dựng tốt, song không giúp quảng bá được hình ảnh Việt. TS Bảo cho rằng: "Cần chuẩn hóa các sự kiện như ngày/tuần/liên hoan phim VN ở nước ngoài về quy mô, thời gian, mục đích, nội dung. Cần đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động giao lưu văn hóa đa dạng ở cấp độ cao về mọi mặt như xuất bản, dịch thuật, văn học, nghệ thuật truyền thống, sân khấu, tăng cường hợp tác sản xuất chung những bộ phim, đẩy mạnh quảng bá văn hóa giữa VN và nước đối tác".

Điều này cũng đúng với nhận định của Bộ Ngoại giao về những tồn tại của ngoại giao văn hóa. Đó là: "Nguồn nhân lực cho ngoại giao văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng, phần lớn các cơ quan chưa có cán bộ chuyên trách về ngoại giao văn hóa… Công tác tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng một số mặt vẫn bộc lộ hạn chế, chưa trở thành hoạt động thường xuyên được triển khai đồng đều trong và ngoài nước", Bộ Ngoại giao nhận định.

Theo TS Bảo: "Về nhân lực, song song với việc đa dạng hóa lực lượng làm ngoại giao văn hóa thì cần tập trung đào tạo đội ngũ nhân sự làm ngoại giao văn hóa chuyên nghiệp bao gồm: nhà quản lý, người hoạch định chính sách và người sản xuất sản phẩm văn hóa (đạo diễn, diễn viên, ca sĩ, nghệ nhân…) làm việc chuyên nghiệp, có trách nhiệm, cầu thị và hiệu quả". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.