80% nạn nhân mua bán người bị bán sang các nước có chung biên giới

18/07/2022 20:18 GMT+7

Tội phạm mua bán người hình thành các đường dây liên tỉnh, xuyên quốc gia, quốc tế với nhiều hình thức núp bóng khác nhau, như: cho nhận con nuôi, đẻ thuê, xuất khẩu lao động, vượt biên trái phép lao động tự do…

Thông tin trên được thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết tại lễ ký kết Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân mua bán người giữa Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao diễn ra chiều nay 18.7.

Lễ ký kết Quy chế phối hợp liên bộ trong công tác tiếp nhận, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân mua bán người

T.Hằng

Theo Thứ trưởng Bộ Công an, trong những năm gần đây, tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng diễn biến khá phức tạp, xâm hại đến quyền cơ bản của con người, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, gây tâm lý lo lắng, bất bình, bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Từ 2011 đến nay, lực lượng chức năng đã tiếp nhận, xác minh, giải cứu hàng nghìn nạn nhân bị mua bán. Địa bàn xảy ra mua bán người ở hầu hết khắp mọi nơi, từ đô thị, nông thôn đến vùng biên giới giáp ranh, hẻo lánh.

Về phương thức thủ đoạn, ông Tỏ cho hay: “Các đối tượng thường núp bóng, trá hình, rất tinh vi đa dạng và có cả trực tiếp, gián tiếp qua trung gian hoặc qua mạng; câu kết chặt chẽ giữa người mua, người bán, môi giới, dẫn dắt hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh, xuyên quốc gia, quốc tế”.

Hình thức hoạt động của các đối tượng này thường dưới dạng cho nhận con nuôi; kết hôn có yếu tố nước ngoài, đẻ thuê; cho, hiến tạng; xuất khẩu lao động; vượt biên trái phép làm lao động tự do; ra nước ngoài du lịch, chữa bệnh, thăm thân…

“Nạn nhân chủ yếu sang các nước có chung đường biên giới với Việt Nam (chiếm 80%). Số còn lại sang một số nước bằng đường bộ, đường hàng không và đường biển nên công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý gặp nhất nhiều khó khăn, trở ngại”, Thứ trưởng Bộ Công an nói.

Thông tin thêm về tình hình mua bán người, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho hay, nạn nhân chủ yếu là nhóm dễ tổn thương, như lao động di cư, trẻ em nghèo khó, bị bỏ rơi, gia đình bất hòa. Họ bị bóc lột về sức khỏe, tình dục, lao động...

Về nguyên nhân gia tăng nạn mua bán người, ông Đào Ngọc Dung nhận định, do tình trạng di cư, phân hóa giàu nghèo, bất ổn kinh tế, chính trị, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; sự phát triển không gian mạng và các nền tảng kỹ thuật số đã đang tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm mua bán người; chính sách mở cửa, hội nhập toàn cầu tạo cơ hội cho những kẻ mua bán người di chuyển và đưa dẫn nạn nhân qua biên giới một cách dễ dàng, an toàn dưới danh nghĩa hợp tác làm ăn, thăm thân, du lịch.

“Gần đây, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu tìm việc làm để ổn định đời sống của một bộ phận quần chúng nhân dân gặp khó khăn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các đối tượng triệt để lợi dụng lừa gạt, dụ dỗ nạn nhân ra nước ngoài để mua bán”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho hay.

Theo quy chế 4 bộ ký kết gồm 15 chương, 3 điều, có hiệu lực từ ngày 18.7, khi tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân mua bán người, đại diện Bộ Ngoại giao cùng Bộ Công an kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu liên quan đến nạn nhân bị mua bán, các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam để thực hiện các thủ tục theo quy định hiện hành.

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc và cơ quan chuyên môn cấp tỉnh khi thực hiện việc tiếp nhận nạn nhân bị mua bán, thông báo cho sở LĐ-TB-XH nơi tiếp nhận nạn nhân để hỗ trợ nạn nhân.

Bộ LĐ-TB-XH chỉ đạo các sở LĐ-TB-XH, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán và người thân theo quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.