Ngày 16.12, Hội Bác sĩ gia đình TP.HCM phối hợp cùng các đơn vị tổ chức tọa đàm về phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm trong bối cảnh dịch Covid-19.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở trẻ em, cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) khuyến cáo, có tối thiểu 80 triệu trẻ em (dưới 1 tuổi) ở 68 quốc gia đang có nguy cơ mắc các bệnh: sởi, bạch hầu, bại liệt... do việc tiêm chủng bị gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19 khiến nhiều phụ huynh trì hoãn việc đưa trẻ đi tiêm ngừa các bệnh, bởi sợ đến nơi đông người làm lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Việc gián đoạn tiêm ngừa là nguy cơ làm gia tăng số trẻ mắc các loại bệnh, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác (bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, thủy đậu, rubella...) gây ra gánh nặng kép bên cạnh dịch Covid-19.
Bác sĩ Khanh cho biết thêm, thời điểm đông - xuân, trẻ nhỏ thường mắc các bệnh ở đường hô hấp; cúm; tay chân miệng; thủy đậu...
Còn PGS-TS Trần Ngọc Hữu, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho rằng đại dịch Covid-19 tác động lên hệ thống y tế các quốc gia và làm nhu cầu tiêm ngừa giảm do yêu cầu hạn chế tiếp xúc gần trong cộng đồng. Tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc tiêm ngừa ở trẻ có nguy cơ làm ảnh hưởng đến những nỗ lực chung của các quốc gia về phòng chống các bệnh truyền nhiễm.
"Sự gián đoạn việc tiêm chủng có thể làm tăng số người mắc bệnh, tăng nguy cơ bùng phát các bệnh có thể phòng ngừa...", theo PGS-TS Trần Ngọc Hữu.
PGS-TS Trần Ngọc Hữu cho rằng công tác tuyên truyền của ngành y tế, của các báo đài trong việc phòng chống bệnh (tiêm chủng đầy đủ; vệ sinh phòng chống dịch bệnh...) là rất quan trọng, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, khi vi rút gây bệnh Covid-19 lưu hành trên toàn cầu.
Bình luận (0)