Đề xuất cấm xuất cảnh cá nhân nợ thuế quá hạn 50 triệu:

'81.000 người thuộc diện bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế là quá lớn'

26/12/2024 17:53 GMT+7

Dự kiến, nếu từ 1.1.2025 áp dụng ngưỡng nợ thuế quá hạn 50 triệu đồng với cá nhân, 100 triệu đồng với doanh nghiệp thì bị tạm hoãn xuất cảnh, sẽ có khoảng 81.000 người thuộc diện này.

Bộ Tài chính vừa gửi Bộ Tư pháp hồ sơ xin ý kiến thẩm định về dự thảo Nghị định quy định về ngưỡng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh.

Trong dự thảo Tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất quy định ngưỡng nợ thuế quá hạn áp dụng tạm hoãn xuất cảnh là 50 triệu đồng với cá nhân và 500 triệu đồng với doanh nghiệp; thời gian nợ thuế quá hạn là 120 ngày.

'81.000 người thuộc diện bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế là quá lớn'- Ảnh 1.

Bộ Tài chính đề xuất cá nhân nợ thuế quá hạn 50 triệu đồng sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh

ẢNH: NGỌC THẮNG

Trước đó, tại dự thảo nghị định đưa ra lấy ý kiến hồi đầu tháng 12, Bộ Tài chính từng đề xuất áp dụng ngưỡng nợ và thời gian nợ đối với các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh như sau: cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên.

Cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế có số tiền nợ thuế quá hạn trên 120 ngày từ 100 triệu đồng trở lên.

Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú phân tích, tạm hoãn xuất cảnh xuất phát từ việc lo các trường hợp bỏ trốn, trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, số nợ thuế phải rất lớn.

"Thời gian qua, việc tạm hoãn xuất cảnh hơi tràn lan, lẽ ra khi sửa đổi diện tạm hoãn phải hẹp đi. Theo đề xuất mới nhất của Bộ Tài chính, dự kiến có tới 81.000 người thuộc diện bị tạm hoãn xuất cảnh là quá lớn, chỉ nên khống chế số lượng khoảng 10% số đó", ông Tú nói.

Vị chuyên gia đề xuất áp dụng tạm hoãn xuất cảnh các trường hợp nợ thuế quá hạn gồm: cá nhân nợ thuế quá hạn từ 100 - 200 triệu đồng; doanh nghiệp nhỏ và vừa nợ thuế quá hạn trên 1 tỉ đồng; các tập đoàn lớn nợ thuế quá hạn tối thiểu 10 tỉ đồng.

Trước đó, trong văn bản góp ý gửi Bộ Tài chính ngày 11.12, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nâng ngưỡng số tiền nợ thuế để phải áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh lên 1 tỉ đồng đối với doanh nghiệp và 200 triệu đồng đối với cá nhân.

Khi nào hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh?

Theo ông Tú, ngoài xác định xem cá nhân, doanh nghiệp nợ thuế quá hạn bao nhiêu thì tạm hoãn xuất cảnh, cũng cần nghiên cứu đề xuất các trường hợp được loại trừ tạm hoãn xuất cảnh.

'81.000 người thuộc diện bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế là quá lớn'- Ảnh 2.

Nếu muốn áp ngưỡng nợ bao nhiêu sẽ tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan quản lý cần có tính toán khoa học cho từng nhóm đối tượng

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Đó là các trường hợp nợ thuế quá hạn nằm trong ngưỡng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh nhưng họ có kế hoạch sản xuất, kinh doanh rõ ràng, có khả năng nộp dần tiền thuế. "Nợ này là nợ tạm thời do sản xuất, kinh doanh, bí quá mới nợ", ông Tú nói.

Theo TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư), nếu muốn áp một ngưỡng nợ bao nhiêu sẽ tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan quản lý cần có hệ thống tính toán khoa học, phù hợp cho mỗi nhóm doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhóm ngành hàng sản xuất kinh doanh…

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng như VCCI trong quá trình góp ý dự thảo nghị định đều đề cập khía cạnh cần quy định rõ ràng về chấm dứt tạm hoãn xuất cảnh.

Trong dự thảo Tờ trình Chính phủ lần này, Bộ Tài chính đề xuất quy định thực hiện việc thông báo tạm hoãn xuất cảnh và hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh gửi đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh bằng phương thức điện tử.

Theo đó, người nộp thuế đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế ban hành ngay thông báo hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thực hiện việc hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm nhận được thông báo của cơ quan quản lý thuế.

Dự thảo nghị định được Bộ Tài chính đưa ra mốc thời gian dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025. Để đảm bảo thời gian có hiệu lực này, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo nghị định theo trình tự thủ tục rút gọn.

Theo số liệu thống kê trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế, hiện có khoảng 380.000 cá nhân là cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế từ 10 triệu đồng trở lên và doanh nghiệp có số tiền nợ thuế từ 100 triệu đồng trở lên.

Khoảng 81.000 cá nhân là cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế từ 50 triệu đồng trở lên và doanh nghiệp có số tiền nợ thuế từ 500 triệu đồng trở lên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.