82% ‘người tìm việc’ có trình độ đại học nhưng chỉ hơn 18% ‘việc tìm người’ đáp ứng

02/07/2024 16:37 GMT+7

6 tháng đầu năm 2024, có hơn 82% nhu cầu tìm việc tại TP.HCM tập trung ở các công việc có trình độ đại học trở lên, với 65.319 người tìm việc. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực chỉ cần 18,28%, với 28.992 vị trí.

Ngày 3.7, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi) cho hay 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã khảo sát 23.550 lượt doanh nghiệp với 158.600 chỗ làm việc và 79.000 người có nhu cầu tìm việc.

Nhu cầu nhân lực trình độ đại học chiếm 18,28%

Qua phân tích cho thấy, nửa đầu năm 2024, nhu cầu nhân lực của TP.HCM trải đều ở các trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng ở lao động đã qua đào tạo là 137.649 chỗ làm việc, chiếm 86,79% tổng nhu cầu nhân lực.

Trong đó, nhu cầu nhân lực đối với trình độ đại học trở lên cần 28.992 chỗ làm việc (chiếm 18,28% tổng nhu cầu); cao đẳng cần 29.817 chỗ làm việc (chiếm 18,80%); trung cấp cần 34.702 chỗ làm việc (chiếm 21,88%) và sơ cấp cần 44.138 chỗ làm việc (chiếm 27,83%).

82% ‘người tìm việc’ có trình độ đại học nhưng chỉ hơn 18% ‘việc tìm người’ đáp ứng- Ảnh 1.

Nhu cầu nhân lực theo trình độ chuyên môn kỹ thuật tại TP.HCM 6 tháng đầu năm 2024

NGUỒN: FALMI

Theo Falmi, nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo tại TP.HCM tập trung ở một số nhóm ngành như kinh doanh thương mại; giáo dục - đào tạo; kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử; kế toán - kiểm toán; quản lý điều hành; marketing; hành chính - văn phòng - biên phiên dịch; dịch vụ tư vấn - nghiên cứu khoa học và phát triển; dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; kinh doanh quản lý tài sản - bất động sản.

Đáng chú ý, nửa năm đầu 2024, TP.HCM cần tuyển tới 20.951 lao động phổ thông, chiếm 13,21% tổng nhu cầu nhân lực. Các công việc tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành như kinh doanh thương mại; cơ khí - tự động hóa; dệt may - giày da; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử; dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; dịch vụ du lịch - lưu trú và ăn uống; tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm.

82,69% nhu cầu tìm việc có trình độ đại học trở lên

Trong khi đó, có sự không đồng đều rõ rệt khi nhìn vào thống kê của nhu cầu tìm việc theo cơ cấu trình độ. Theo phân tích của Falmi, nhu cầu tìm kiếm việc làmlao động đã qua đào tạo có 78.436 người, chiếm gần như tuyệt đối tổng nhu cầu tìm việc với tỷ lệ 99,29%.

Cụ thể, đối với các công việc trình độ đại học trở lên, có 65.319 người tìm việc (chiếm 82,69% tổng nhu cầu tìm việc); cao đẳng có 11.067 người (chiếm 14,01%); trung cấp có 1.510 người (chiếm 1,91%); sơ cấp có 540 người (chiếm 0,68%).

82% ‘người tìm việc’ có trình độ đại học nhưng chỉ hơn 18% ‘việc tìm người’ đáp ứng- Ảnh 2.

Nhu cầu tìm việc theo cơ cấu trình độ tại TP.HCM 6 tháng đầu năm 2024

NGUỒN: FALMI

Người lao động đã qua đào tạo tìm việc tập trung ở các vị trí như giám đốc bộ phận; quản lý điều hành chung; chuyên viên phân tích tài chính; nhân viên chính sách nhân sự; chuyên viên công nghệ công thông tin; kỹ sư cơ khí; kỹ sư xây dựng; kế toán trưởng; kỹ sư môi trường; nhân viên marketing; nhân viên kế toán; nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu; chuyên viên marketing...

Trong khi đó, đáng lưu ý, nhu cầu tìm kiếm việc làm ở lao động phổ thông chỉ có 564 người, chiếm 0,71% tổng nhu cầu (so với 13,21% nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp đang cần hiện nay), tập trung chủ yếu ở các vị trí việc làm lao động phổ thông; nhân viên nhập liệu tại nhà; nhân viên làm việc bán thời gian; nhân viên giao nhận hàng, bảo vệ, lao động giản đơn trong ngành cơ khí, thợ hồ, thợ in ấn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.