8.3, phụ nữ không liễu yếu đào tơ: Cô gái Mong Manh đội xe máy lên đầu

06/03/2019 13:08 GMT+7

Cô gái tên Mong Manh, nhưng có thể đội cả một... cái lu, chiếc xe máy lên đầu và múa may. Đằng sau những nụ cười tươi vui và sự hài hước của cô, còn là câu chuyện đầy vui buồn của phận đời 'thân sâu hồn bướm'.

Mong Manh nhưng không… dễ vỡ

“Mình tên thật là Lê Trung Hiếu, quê ở Cái Bè, Tiền Giang. Nghệ danh của mình là Tạ Mong Manh. Mới đầu khi ra diễn, mình nghĩ mãi vẫn không ra tên đẹp, nên quyết định phải lấy tên thật lạ! Mình mập nên lấy họ Tạ, còn muốn lạ thì đặt thêm là Mong Manh. Khán giả nghe giới thiệu cái là bị “hút hồn” liền”, với vẻ dí dỏm thường trực, Mong Manh mở đầu câu chuyện đời mình bằng cái tên cũng dí dỏm không kém", cô nói.
Mong Manh kể, xưa trong xóm nơi cô ở, có mấy cô, mấy chị hay đi hát cúng Bà ở đình, miễu. Cảm thấy thích những điệu múa ấy, cô thường xin đi theo và bén duyên với công việc múa bóng rỗi từ đó. Học hết lớp 9, cô quyết định bám nghề, rong ruổi ở khắp nơi.
“Ban đầu, mình theo một bà thầy trong xóm học nghề. Khó lắm, chỉ giữ cây bông huệ thăng bằng thôi mà hơn 1 tháng sau mình mới buông tay được. Sau đó, mình lại luyện tập và đặt được chén, dĩa, bàn ghế trên môi, trên mặt. Bà thầy chuyển chỗ ở, mình lại sang chỗ khác xin học tiếp, bắt đầu tập đội trống, đội lu và những vật nặng khác lên đỉnh đầu”, Mong Manh kể.
Mong Manh (áo vàng) kể khi 15 tuổi cô đã vào đời bằng nghề múa bóng rỗi NVCC
Một chiếc xe honda cần tới 6 người khiêng... ẢNH CẮT TỪ CLIP
... nhưng cô gái trẻ có thể giữ thăng bằng trên đầu và thực hiện các điệu múa NVCC 
Thậm chí, cô còn có thể cho một người trèo lên xe NVCC
Thời gian đầu tập luyện, Mong Manh làm rơi chén dĩa vào mặt như cơm bữa, nhiều lần bị bầm má, rách cả môi và để lại sẹo. Không bỏ cuộc, cô gái trẻ kiên trì làm cho đến khi được mới thôi. Qua tất cả 5 người thầy, giờ đây, cô đã là một nghệ nhân múa bóng rỗi chuyên nghiệp, có thể thăng bằng tất cả mọi đồ vật từ lông công, chén dĩa, bàn ghế cho đến cả chiếc xe máy và lu to tướng trên đầu!
“Từ Bình Thuận đổ vào đây là mình đi giáp hết. Nghỉ chừng 2 – 3 bữa thôi là tay chân cứ bứt rứt không chịu được. Những tháng đám nhiều, có khi mình đi show liên tục trong 10 ngày, cúng Bà, đám ma, đám cưới gì cũng đi. Đến ngày thứ 10 tắm xong thì sốt li bì, nằm run cầm cập. 4 giờ sáng hôm sau đã phải chạy show tiếp, mình vẫn quyết nhờ mấy chị chở đi. Ra tới nơi thì không tài nào diễn nổi, mới nói thôi mấy chị diễn giúp, chứ mình không bao giờ bỏ ngang! Làm gì cũng phải cố gắng tới cùng”, nghệ nhân trẻ chia sẻ.

Chén cơm bị hất vỡ và chiếc khăn lau mồ hôi

7 năm, cô gái Mong Manh lang bạt khắp nơi, chẳng mấy khi ngơi nghỉ. Vui buồn trải dài trong những chuyến đi, nhưng có một kỉ niệm làm cô chẳng bao giờ quên được.
Mong Manh kể, lần đó, cô diễn trong một tang gia ở Vĩnh Long. Khi dâng cúng một chén cơm đặt trên đầu cây cho người đã khuất, một người con dâu đã nhào tới hất chén cơm rớt và vỡ tan tành trước mặt rất nhiều người.
“Cô ấy la lên là “ba tôi còn sống không có thích mấy cái này, ai kêu mấy người lại đây, hả”. Lúc đó, mình trân người, không biết phải làm gì nữa. Mình thấy buồn lắm, đến nỗi mấy hôm sau vẫn không ngủ được, nghĩ hoài mình đã làm gì sai. Mình cảm thấy vai diễn trên sân khấu không trọn vẹn, nó khó chịu hơn rất nhiều so với những lần mình sơ sót làm rơi chén hay để ghế đụng trần nhà…”, Mong Manh hạ giọng.
Nhưng rồi cũng trong tối hôm đó, Mong Manh phải chạy sang diễn ở một đám tang khác. Khi cô đội rượu lên đầu rót ra mời những người con gái của người đã khuất, một người trong số đó bỗng cầm chiếc khăn lau mồ hôi đang đầm đìa trên mặt cô.
Mong Manh trong một lần múa bóng rỗi ở Q.Gò Vấp (TP.HCM) NVCC
7 năm rong ruổi khắp nơi, cô gái trẻ đã giữ cho mình không biết bao nhiêu kỉ niệm buồn vui NVCC
Những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt trong một lần múa rót rượu bằng đầu ẢNH CẮT TỪ CLIP
“Khi chén cơm bể nát trước mặt rất nhiều người xem, khi người con dâu kia mắng mình xối xả, mình không khóc. Tự dưng chiếc khăn ở đây vừa chạm mặt, mình đã bật khóc ngon lành. Nước mắt chảy ròng ròng mà mình không ngưng được. Cùng một đêm, nhưng cái cách đối xử quá khác biệt, nó làm cảm xúc mình lẫn lộn. Nhưng cũng vì những vui buồn đó, mà mình chẳng thể nào bỏ được cái kiếp múa hát này”, Mong Manh bộc bạch.

Phận người 'thân sâu hồn bướm'

Nhìn cô gái ở tuổi 22 lúc nào cũng tươi cười rạng rỡ, duyên dáng cùng những điệu múa, chắc chẳng mấy ai biết đằng sau là câu chuyện đầy tâm sự của phận đời “thân sâu hồn bướm”.
Mong Manh trải lòng, lúc nhỏ cô cũng không để tâm mấy, cho đến khi học lớp 7, lớp 8, tự dưng mới thấy mình "khác thường". Mong Manh thích soi mình trong gương, điệu đà tạo dáng, thích nhìn ngắm những chiếc áo đầm, áo dạ hội, chẳng giống đám con trai cởi trần trùng trục rủ nhau đi bơi sông, đá bóng.
“Nhà có 4 chị em, mình là út. Mấy chị đều đã lập gia đình, ổn định cuộc sống, chỉ có mình không học hành tới nơi tới chốn. Thấy mình trai chẳng ra trai, ba mẹ buồn, mình biết chứ, nhưng ông bà không nói nặng nói nhẹ gì… Những ngày đầu đi hát, mình vẫn mặc đồ nam, nhưng thấy không có duyên mấy. Bữa kia nhỏ bạn cho mình bộ tóc giả, mình thấy đẹp quá, vậy là may luôn áo dài mặc. Khoảnh khắc đó... mới thấy mình được là mình”, Mong Manh tâm sự.
Chỉ khi để tóc dài, mặc đồ con gái, Mong Manh mới thấy được là chính mình NVCC
Cô gái miền Tây trót mê cái nghề mà không phải người trẻ nào cũng làm được NVCC
Hễ hôm nào hát, Mong Manh đều phải giấu bộ đồ vào túi, ra quán nào đó để thay. Đêm nào về sớm, cô lại ghé quán thay lại đồ nam rồi mới về nhà. Còn đêm nào trễ, cô mặc áo khoác kín mít, đi một mạch thẳng vào phòng. Cô không muốn ba mẹ buồn thêm khi thấy thằng con trai út “chẳng giống ai”.
Mong Manh kể: “Rồi cũng không giấu mãi được. Một bữa ba mẹ thấy mấy chiếc áo mình phơi. Ông bà nói trong thất vọng: “Trời ơi… nó thay áo dài nó mặc luôn rồi”. Người đời còn ác miệng hơn, cứ lời ra tiếng vào “kiếp này ông bà không có cháu nội, tuyệt tử tuyệt tôn”. Mình không biết làm sao để khác đi, đành cắm mặt đi làm, cố kiếm tiền lo cho ba mẹ, sửa sang nhà cửa, lo mồ mả tổ tiên. Dần dần, ba mẹ cũng không than phiền gì nữa, ngược lại còn nói với mọi người “kệ, nó sao cũng được, nó biết đi làm nuôi tui là được rồi”.
Đi đâu đi, nhưng trở về nhà, Mong Manh lại bỏ bộ đồ con gái, buộc mái tóc dài lên và mặc đồ con trai. Cô vẫn vui vẻ, hòa đồng và khiến ai nấy cũng đều bật cười vì sự duyên dáng, hài hước của mình. Từ khi cô đi hát và lo lắng cho cả gia đình, các clip trình diễn điêu luyện của Mong Manh được đăng lên mạng, bà con hàng xóm cũng biết và nhìn cô với ánh mắt thiện cảm hơn.
“Còn chuyện yêu đương, mình sợ, sợ lắm, sợ người ta đến mới mình vì lợi ích, không phải yêu thương thật lòng. Mình cũng có tìm hiểu một vài người, nhưng chỉ thoáng qua. Thậm chí có lần, có người đã nói với mình “đi với em anh được cái gì”, rồi “em có tiền không”. Mình bèn lên mạng, tự dưng tìm được hình cái bà mập y như mình, tay cầm mâm giấy tiền vàng bạc để đi đốt. Xong mình tìm thêm hình cái hòm cẩn xà cừ gửi hết qua, hỏi “anh muốn cái nào”. Thế là họ tự chạy mất dép”, Mong Manh dí dỏm kể.
Mong Manh luôn cố gắng hết sức để dành dụm lo cho ba mẹ và chăm sóc bản thân ẢNH CẮT TỪ CLIP
Mong Manh nhận giải thưởng trong liên hoan Bóng rỗi - Địa nàng Nam Bộ NVCC
Rồi cô lại cười, bảo nói đùa thế chứ có lẽ cái duyên vẫn chưa đủ và vì cô cũng chưa nghĩ xa xôi. Bao nhiêu năm qua, cũng chưa một lần Mong Manh nhận cành hoa nào vào ngày lễ dành cho phụ nữ, cũng chẳng mong mỏi gì. Sắp tới lại là 8.3, với cô, vẫn như những ngày bình thường, có thể vẫn sẽ đi làm ở đâu đó.
"Thứ mình quan tâm lúc này là ba mẹ, là cuộc sống chính mình. Thường xuyên vác những vật nặng lên đầu, đâu biết trước được năm bảy năm nữa sức khỏe mình thế nào, nên vẫn lo đi làm rồi cố gắng dành dụm. Mình cũng chưa nghĩ đến việc chuyển giới, vì cuộc sống như này với mình là hạnh phúc rồi. Cũng cần gì hoa của ai, khi mình có thể tự dành cho mình những điều tốt đẹp nhất mà”, Mong Manh trải lòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.