Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, đề án trồng rừng, phục hồi rừng và trồng cây phân tán. Những nỗ lực này góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 40,84% năm 2015 lên 42,02% vào năm 2022; duy trì, phát triển hơn 14,7 triệu ha rừng, trong đó có 4,6 triệu ha rừng trồng.
Nhờ đó tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho những người làm nghề rừng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại Tọa đàm xã hội hóa trồng rừng - vì một Việt Nam xanh hơn do Cục Lâm nghiệp tổ chức chiều 20.11, tại Hà Nội, ông Trần Nho Đạt, Phó trưởng phòng Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ (Cục Lâm nghiệp), cho biết: hàng năm, rừng Việt Nam cung cấp khoảng 31 triệu m3 gỗ, góp hơn 17 tỉ USD cho kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, rừng còn tiềm năng lớn về giảm phát thải, hấp thụ và lưu giữ carbon, cung cấp dịch vụ môi trường rừng.
Nhiều năm qua, Nhà nước đã khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng thông qua nhiều chính sách quan trọng như giao đất giao rừng; các chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, hỗ trợ vốn vay ưu đãi…
Từ đó huy động tổng lực, đa dạng các nguồn vốn để thực hiện; trong đó, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 17%, 83% còn lại là nguồn vốn xã hội hóa từ huy động đầu tư, đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Cần có tư duy mới về rừng
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Ngô Nữ Huyền Trang, Trưởng phòng Đối ngoại phụ trách phát triển bền vững (Công ty Suntory PepsiCo Việt Nam), chia sẻ doanh nghiệp khá tích cực hưởng ứng Đề án trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ, "nhưng không làm một mình".
Công ty đã phối hợp với T.Ư Đoàn; khi đến từng địa phương thì còn phối hợp với chính quyền địa phương để triển khai. Không dừng lại ở việc làm sao để trồng rừng được, trong quá trình triển khai, doanh nghiệp còn kết hợp tạo sinh kế cho người dân tham gia vào quá trình trồng, chăm sóc rừng.
"Công ty cũng tạo cơ hội để nâng cao nhận thức, có những chương trình truyền thông, giáo dục cho thế hệ trẻ, thanh niên hiểu được tầm quan trọng của rừng", bà Trang nói.
Khẳng định doanh nghiệp có thể tham gia việc phát triển rừng bằng nguồn lực, song theo bà Trang, điều khá băn khoăn là làm sao để nguồn lực đó đi đúng hướng. Nếu trồng thì làm sao biết được khu vực trồng hiệu quả, loại cây trồng làm sao đạt được nhiều giá trị hơn, ngoài chuyện phủ xanh và giữ được nguồn nước ngầm…
"Hiện tại, những thông tin này phía doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, mong phía cơ quan chức năng, chuyên môn có định hướng, chia sẻ thêm kế hoạch trồng rừng…, từ đó doanh nghiệp có thể tham gia vào", bà Trang nói.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, cần có một tư duy mới về rừng trong bối cảnh phải cân đối giữa sứ mệnh giữ rừng và tạo ra giá trị từ rừng. Quan điểm thuê người dân giữ rừng cần chuyển đổi sang làm thế nào để tạo ra được nhiều việc làm, nhiều sinh kế dưới tán rừng thì mới bền vững, hiệu quả.
Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp cũng cần có thêm sự thay đổi. Thay vì quan hệ mua - bán với người trồng rừng, có lẽ cần ngồi lại với nhau để xem đó là sự đầu tư, hợp tác với người dân. Các doanh nghiệp có thể phối hợp với người dân tạo nên một chuỗi liên kết, hình thành các HTX, tạo ra không gian để bà con có thể giữ rừng một cách tự nguyện, hiệu quả…
Từ năm 2021 đến nay, cả nước trồng khoảng 696.000 ha rừng trồng tập trung; trồng khoảng 277 triệu cây phân tán. Bên cạnh đó, diện tích rừng trồng sản xuất kinh doanh gỗ lớn là là 445.480 ha; diện tích chuyển hóa rừng trồng sản xuất kinh doanh gỗ lớn là 63.341 ha; tổng diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 449.240 ha.
Bình luận (0)