Tiến sĩ, nhà tâm lý học, tham vấn hôn nhân và gia đình Marie Hartwell-Walker đến từ Mỹ, chia sẻ rằng, những cặp vợ chồng sống bên nhau dài lâu đều trao đổi về các chủ đề dưới đây (dù thứ tự ưu tiên khác nhau).
Đặc biệt, họ luôn nói chuyện với sự tôn trọng dành cho nhau và cam kết để đối mặt những thách thức và thay đổi cùng nhau, theo PC.
1. Vai trò của mỗi người
Các cặp vợ chồng hạnh phúc tìm vai trò khiến họ thoải mái. Một số thích mô hình gia đình hạt nhân truyền thống, một người nội trợ, chăm sóc con cái, người còn lại cung cấp tài chính. Vài cặp đôi khác sẽ kinh hoàng trước ý tưởng đó và tạo ra phong cách bình đẳng hơn. Thế nào cũng được, miễn là hai bên thỏa thuận và thấy thoải mái.
2. Cách đưa ra quyết định
Phương thức thảo luận và cùng đưa ra quyết định, ai là người quyết định chính trong các tình huống, tình huống nào cần phải bàn tính kỹ... đều là những vấn đề cần làm rõ để đời sống hôn nhân dễ dàng hơn.
Một người nói với tiến sĩ Marie Hartwell-Walker rằng cô ấy thấy thoải mái khi biết quyết định nào cần một cuộc trò chuyện với người phối ngẫu và quyết định nào là trách nhiệm của cô, theo PC.
3. Tần suất và phong cách tình dục
Một số cặp vợ chồng hạnh phúc với ít tình dục. Một số đồng ý rằng quan hệ tình dục mỗi sáng là khởi đầu tuyệt vời. Họ cùng nhau là chia sẻ sự hài lòng và quyết định cách thức phù hợp với cả hai.
4. Sự chung thủy
Đối với một số người, quan hệ tình dục với bất kỳ ai khác ngoài vợ chồng mình là tối kỵ. Đối với một số người khác, người phối ngẫu có thể quan hệ tình dục với người thứ ba, nhưng không được để họ biết điều đó.
Bất kể là gì, vợ chồng cần chia sẻ quan điểm và hiểu tầm quan trọng của thỏa thuận bất khả xâm phạm này. Khi thoả thuận bị phá, mối quan hệ sẽ lâm vào nguy hiểm, theo PC.
5. Tiền bạc
Bên cạnh sự chung thủy, tất cả các cặp vợ chồng đều đồng ý rằng việc thiếu hiểu biết về cách kiếm tiền, chi tiêu và tiết kiệm sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hôn nhân. Những cặp vợ chồng lâu năm nắm rõ tài chính của họ ngay từ buổi đầu về chung một nhà.
6. Tôn giáo, chính trị, chủng tộc và văn hóa
Các cặp vợ chồng đến từ những hoàn cảnh không giống nhau (tôn giáo, chủng tộc, quốc tịch, quan điểm chính trị...), khi nói chuyện về các vấn đề này cần tỉnh táo và tôn trọng. Như vậy, sự khác biệt không tạo ra mâu thuẫn mà sẽ làm phong phú thêm chủ đề trò chuyện thú vị, theo PC.
7. Mối quan hệ với gia đình mở rộng
Các cặp vợ chồng cần rõ ràng về mức độ ảnh hưởng của thế hệ cũ cũng như thỏa thuận về nghĩa vụ của họ đối với đại gia đình. Một số chào đón cha mẹ già hoặc người thân khác sống chung. Một số gặp người khác thì hằng tuần hoặc vào những dịp lễ mới về thăm gia đình...
8. Mối quan hệ với bạn bè
Mỗi người có bạn bè riêng mình hay tất cả các mối quan hệ bạn bè phải được chia sẻ? Có bạn thân khác giới được không hay nó sẽ đe dọa đến hôn nhân?... Cho nhau biết những gì mình nghĩ để tìm ra giải pháp phù hợp cho cả hai nhé.
9. Con cái
Con cái làm thay đổi hầu hết mọi thứ, khiến vợ chồng tiêu tốn thời gian, năng lượng và tiền bạc. Làm thế nào để nuôi dạy chúng và ai nên làm gì... Bàn bạc về trẻ con trước khi lên chức bố mẹ là điều cần, nên và phải làm nếu muốn xây dựng gia đình gắn bó bền lâu, theo PC.
Bình luận (0)