90 năm bảo tàng đầu tiên ở Nam kỳ

22/08/2019 06:09 GMT+7

Gần một thế kỷ phát triển, Bảo tàng Blanchard de la Brosse, sau đổi thành Viện Bảo tàng quốc gia VN và nay là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, trở thành một trong những di sản biểu tượng của Sài Gòn - TP.HCM.

Hàng ngàn hiện vật quý hiếm

Sáng 23.8, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập và trưng bày chuyên đề 90 năm hành trình từ ký ức.
Nói về lịch sử hình thành bảo tàng, TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, cho biết: “Năm 1883, Hội Nghiên cứu Đông Dương (SEI) được thành lập và thường xuyên tự xuất tiền mua nhiều cổ vật, dự kiến thành lập một bảo tàng. Do sự vận động tích cực của hội nên ngày 28.11.1927, Thống đốc Nam kỳ Blanchard de la Brosse đã ký nghị định thành lập Bảo tàng Nam kỳ, sau đó đổi tên thành Blanchard de la Brosse, do ông Jean Bouchot làm giám thủ đầu tiên. Bảo tàng xây dựng theo kiến trúc Đông Dương, do kiến trúc sư Delaval thiết kế và Hãng thầu Etablissements Lamorte Saigon thi công trong vòng 2 năm. Ngày 1.1.1929, chính quyền long trọng làm lễ khánh thành và đây là bảo tàng đầu tiên ở Nam kỳ”.
Ban đầu, bảo tàng trưng bày bộ sưu tập của dược sĩ Victor T.Holbé, gồm: nhóm hiện vật bằng ngà (vật trang trí, con dấu), bằng đá quý, gốm, thủy tinh (bình phong, gậy như ý, lọ hít), nhóm tượng Phật của Nhật Bản, Trung Quốc, VN, Thái Lan; bộ sưu tập Malleret với nhóm hiện vật trang sức của văn hóa Óc Eo: nhẫn và khuyên tai vàng, chuỗi hạt bằng đá quý, cùng hơn 5.000 tác phẩm chuyên khảo quý hiếm về Đông Dương và vùng Viễn Đông.
90 năm bảo tàng đầu tiên ở Nam kỳ1

Các hiện vật quý tại trưng bày 90 năm hành trình từ ký ức Ấn ngà thời Nguyễn

Sau này, bảo tàng nhận thêm nhiều tặng phẩm của hội viên và các cá nhân làm phong phú lượng hiện vật quý: Tượng điêu khắc Chăm của nhà khảo cổ H.Parmentier, tượng đá của Viện Bảo tàng Albert Sarraut (Campuchia), hiện vật khảo cổ thuộc văn hóa Óc Eo, nhiều sưu tập của nhà khảo cổ học nổi tiếng người Pháp L.Malleret mà tên tuổi ông gắn liền với các cuộc khai quật khảo cổ ở Viễn Đông, bộ sưu tập Gannay với nhiều chất liệu xuất xứ từ VN, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Campuchia… có niên đại trải dài từ 2.500 năm trước đến đầu thế kỷ 20.
Năm 1954, người Việt đầu tiên nhận chức quản thủ bảo tàng là học giả Vương Hồng Sển. Đến trước 1975, bảo tàng còn trải qua thêm hai đời quản thủ nữa là Nguyễn Gia Đức, Nghiêm Thẩm.
Bảo tàng được đổi tên thành Viện Bảo tàng quốc gia VN (Sài Gòn) trực thuộc Viện Khảo cổ (Bộ Quốc gia giáo dục) vào năm 1956. Thời gian này bảo tàng liên tục nhận những hiện vật quý: Cặp ngà voi của trung tướng tham mưu trưởng quân đội quốc gia VN, 3 trống đồng của tổng giám đốc nha quan thuế, tấm bình phong của Đô đốc hải quân Douguet (1956), 2 súng thần công của Bộ Quốc gia giáo dục (1957). Đặc biệt, Viện Harvard-Yenching và Bảo tàng Peabody (Mỹ) tặng 150 cổ vật thuộc văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh và hiện vật tìm thấy trong mộ Hán, tỉnh Thanh Hóa (1962). Ngoài ra bảo tàng còn mua thêm nhiều hiện vật chất liệu của Trung Quốc và 2 áo vua do viện khảo cổ chuyển nhượng.
90 năm bảo tàng đầu tiên ở Nam kỳ2

Ấn đồng thời Hồng Đức - Lê

Tìm về dấu xưa của Sài Gòn

Sau năm 1975, Viện Bảo tàng quốc gia VN (Sài Gòn) được Vụ Bảo tồn bảo tàng (Bộ Văn hóa nước VN Dân chủ Cộng hòa) tiếp quản hầu như nguyên vẹn. Năm 1979, bảo tàng được đổi tên thành Bảo tàng Lịch sử TP.HCM và từ đó tới nay mỗi năm trung bình đón tiếp trên 350.000 lượt khách tham quan.
“Chỉ cần dạo quanh Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, khách có thể đi suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử và văn hóa VN, tìm hiểu về đặc trưng văn hóa vùng đất phương nam thông qua hệ thống các phòng trưng bày cố định và chuyên đề đặc biệt, cùng “kho báu” hơn 43.000 tư liệu, hiện vật quý, trong đó có 12 bảo vật quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt”, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết.
90 năm bảo tàng đầu tiên ở Nam kỳ3

Đồ đựng hình thú thế kỷ 7 - 8

90 năm bảo tàng đầu tiên ở Nam kỳ4

Tượng hộ pháp Nam bộ thế kỷ 18

Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đã liên tục tham gia nhiều cuộc trưng bày lớn ở nước ngoài: Áo, Bỉ, Hàn Quốc, Mỹ... để quảng bá di sản VN. Các hoạt động chuyển giao hiện vật, cổ vật của các cơ quan trên địa bàn cho bảo tàng trong quá trình ngăn chặn nạn chảy máu cổ vật từ những vụ buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp, quá trình vận động hiến tặng cổ vật trong người dân, cùng những bộ sưu tập tiêu biểu và quý hiếm như: Cổ khí thời Minh Mạng, tượng thờ Bắc bộ, gốm cổ Cù Lao Chàm, bộ sưu tập của Vương Hồng Sển và Dương Hà... đã tạo nên nguồn hiện vật đa dạng, đặc sắc cho hoạt động của bảo tàng xưa nhất vùng đất Nam bộ.
Bên cạnh những hiện vật quý từ các bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử VN, triển lãm 90 năm hành trình từ ký ức (diễn ra từ 23.8.2019 - 31.3.2020) còn giới thiệu đến người xem 50 tư liệu và hình ảnh gắn với lịch sử hình thành và phát triển của bảo tàng: Nghị định về việc thành lập Bảo tàng Blanchard de la Brosse, danh sách quyên góp xây dựng, bút tích một số quan khách trong ngày khánh thành và các văn bản của Viện Bảo tàng quốc gia VN tại Sài Gòn tiếp nhận lại những cổ vật Óc Eo do Bảo tàng Guimet (Pháp) chuyển trả, quyết định xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia cho Bảo tàng Lịch sử TP.HCM vào năm 2012...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.