Sau nhiều lần phải hoãn do sự cố kỹ thuật và thời tiết, vệ tinh NanoDragon của Việt Nam được tên lửa Epsilon-5 của Nhật Bản đưa vào quỹ đạo lúc 7 giờ 55 phút 16 giây ngày 9.11.2021, bắt đầu làm việc trong không gian. Thời gian phóng vệ tinh tính bằng giây, nhưng các kỹ sư đã phải chuẩn bị từ cách đây gần 10 năm.
Tiến sĩ Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Trung tâm vũ trụ Việt Nam (VNSC), nhớ lại: “Năm 2014, chúng tôi bắt đầu “thai nghén” vệ tinh do Việt Nam thiết kế. Sau 3 năm xây dựng ý tưởng, đến năm 2017 mới xin được kinh phí thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano”. Lúc đó, chúng tôi chỉ có tiền nghiên cứu, còn phóng ở đâu, thử nghiệm thế nào đều chưa biết”.
Năm 2018, Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) chấp nhận hồ sơ vệ tinh của Việt Nam tham gia vào chương trình trình diễn công nghệ vệ tinh, nhưng vẫn bắt buộc phải trải qua 4 vòng thi tuyển khắt khe từ mô tả ý tưởng đến chứng minh công nghệ... Kết quả, vệ tinh Việt Nam và 8 vệ tinh của Nhật được lựa chọn. “20 nhà khoa học, đa phần là cán bộ trẻ có tuổi đời trên dưới 30, đã được cử sang Nhật đào tạo cùng tham gia vào nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vệ tinh dạng siêu nhỏ (cubesat lớp nano), nặng 3,8 kg với kích thước 3U (100 x 100 x 340,5 mm). Chúng tôi đặt tên vệ tinh là NanoDragon mang ý nghĩa rồng nhỏ Việt Nam sẽ bay cao bay xa vào vũ trụ. Việc phát triển vệ tinh NanoDragon còn hướng tới mục tiêu làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ, tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất”, tiến sĩ Huy cho biết.
Quá trình nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm chức năng vệ tinh hoàn toàn được thực hiện tại Việt Nam. Bùi Nam Dương, kỹ sư phụ trách thiết kế cấu trúc vệ tinh, chia sẻ: “Toàn bộ thiết kế khung đều được chúng tôi gia công tại Việt Nam, khó khăn nhất là ở mình chưa ai làm được, nhiều đơn vị từ chối không nhận vì chi phí khá đắt đỏ. Nếu mua ở nước ngoài chi phí bộ khung lên tới hàng ngàn USD, đắt gấp 8 lần so với chế tạo ở Việt Nam. Mất nửa năm, chúng tôi vừa mày mò, gia công 5 phiên bản khác nhau, mới ra được bản hoàn chỉnh”.
Nhớ lại những ngày tháng mất ăn, mất ngủ làm vệ tinh, kỹ sư trẻ Nguyễn Văn Thức, phụ trách chính máy tính điều khiển trung tâm, chia sẻ: “Vệ tinh nhỏ vậy thôi, nhưng bên trong vệ tinh có 21 cụm linh kiện, rất nhiều cảm biến… Ở Việt Nam, công nghệ phụ trợ không có, mình muốn bắt đầu từ đâu cũng khó. Từ linh kiện điện tử, thiết bị chế tạo đều phải mua từ nước ngoài và trải qua nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp. Đơn cử như mảng pin mặt trời, mỏng dưới 1 mm rất dễ vỡ, chỉ cần tác động mạnh là nát vụn. Giá 1 mảng pin hơn 200 USD (khoảng 5 triệu đồng), một vệ tinh có 40 mảng pin, vì vậy phải hết sức cẩn thận, sai một li đi tiền triệu”.
Sau thời gian nghiên cứu, thiết kế và chế tạo, NanoDragon đã được hoàn thiện và sắp được gửi sang Học viện Công nghệ Kyushu, Nhật Bản để thử nghiệm. Nhưng do dịch Covid-19 các kỹ sư không thể đưa vệ tinh sang Nhật thử nghiệm, một mình kỹ sư Phạm Anh Minh, thành viên của nhóm đang làm tiến sĩ tại Học viện Công nghệ Kuyshu, đảm nhận bàn giao vệ tinh cho phía Nhật. “Mình tham gia vào phần thiết kế hệ thống cho vệ tinh NanoDragon và quản lý hệ thống. Các thử nghiệm bao gồm: thử nghiệm vệ tinh làm việc trong môi trường nhiệt, chân không trong vũ trụ; kiểm tra độ chính xác kích thước chế tạo vệ tinh với hệ thống phóng; kiểm tra độ cứng, vững chắc của vệ tinh; kiểm thử vệ tinh trong môi trường rung động và sốc. Khi vệ tinh chuyển cho JAXA, gặp một số trục trặc, họ yêu cầu thực hiện kiểm tra thêm và phải mất gần nửa tháng, nhiều đêm không ngủ, với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp từ Việt Nam, tối ưu hóa kỹ thuật, đảm bảo vệ tinh vận hành trơn tru”, Minh nói.
Tuy nhiên, suốt hơn 1 tháng, lịch phóng vệ tinh liên tục bị trì hoãn khiến những người trong cuộc hồi hộp ngóng từng giờ. Phạm Anh Minh tâm sự: “Khi vệ tinh được phóng lên cảm giác lâng lâng, nhiều bạn bè đồng nghiệp nhắn tin chúc mừng, sau nhiều năm vất vả cũng đã có kết quả bước đầu. Giờ thì vệ tinh vận hành ổn định trên quỹ đạo ở độ cao 560 km, với 2 nhiệm vụ chính là chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identifi cation System - AIS), phục vụ cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển và sử dụng một thiết bị chụp ảnh quang học để xác thực chất lượng bộ điều khiển tư thế vệ tinh khi hoạt động trên quỹ đạo”.
Do ngành công nghệ vũ trụ còn khá non trẻ ở Việt Nam, trước khi đến với công việc này, các kỹ sư tham gia nhóm chế tạo vệ tinh đều là tay ngang. Nguyễn Thị Thảo, gương mặt nữ hiếm hoi, là một trong số đó. Học chuyên ngành vô tuyến điện tử, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), từ đề tài thạc sĩ nghiên cứu về vệ tinh Vinasat-1, Thảo “bén duyên với vệ tinh” và quyết tâm thi tuyển vào VNSC. “Trước khi đến với nghề này, mình cũng đã đi dạy một thời gian, công việc không vất vả, nhưng thấy không phù hợp nên xin nghỉ. Khi thi tuyển vào đây, mình nhớ có rất đông hồ sơ, phần lớn là nam. Mình may mắn là một trong 5 bạn trúng tuyển”.
Là cán bộ trẻ, lại chưa có gia đình nên Thảo toàn tâm toàn ý dành hết thời gian cho công việc nghiên cứu. Mặc dù có nhiều lời mời ra làm công ty nước ngoài với mức lương và chế độ đãi ngộ tốt hơn, nhưng cô gái này đều từ chối.
Cũng như Thảo, Phạm Anh Minh học Khoa Điện - điện tử (Trường đại học Bách khoa Hà Nội), từng là lập trình viên: “Khi ra trường, mình làm lập trình viên phần mềm, sau đó thấy công việc này hơi tẻ nhạt nên tìm việc ở ngành khác. Năm 2014, khi có đợt thi tuyển vào VNSC, thấy công việc kỹ sư chế tạo vệ tinh cũng mới mẻ, mình thích khám phá không gian vũ trụ bao la nên đăng ký thi và trúng tuyển. Mình đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ chế tạo vệ tinh tại Nhật. Mình hy vọng có nhiều bạn trẻ sẽ cùng tham gia vào phát triển ngành công nghệ vũ trụ tại Việt Nam”.
Dù học các ngành nghề khác nhau, nhưng khi đã vào cùng một “team” các bạn trẻ đều cháy hết mình. “Nhiều người nghĩ ngành công nghệ vũ trụ, vệ tinh là một cái gì đó rất xa xôi, nhưng thực ra nó rất gần gũi, các ứng dụng của vệ tinh đều phục vụ đời sống. Mong muốn của bọn mình được cống hiến sức trẻ, được bắt tay vào làm nhiều dự án vệ tinh “made in Việt Nam” trong tương lai”, Thức chia sẻ.
Theo tiến sĩ Lê Xuân Huy, để theo đuổi đam mê công nghệ, các bạn trẻ đã phải làm việc rất vất vả, song chế độ đãi ngộ cho họ hiện rất thấp. “Mức lương hiện nay của kỹ sư trẻ 6 - 8 triệu đồng/tháng, nhiều người vừa làm nghiên cứu vừa nhận thêm công việc ở ngoài để làm. Thậm chí, có bạn ngày nghiên cứu khoa học, tối về chạy Grab đến 1 - 2 giờ sáng. Các bạn đang làm nghiên cứu với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, nhưng về lâu dài cần chúng ta có chế độ đãi ngộ tốt hơn để giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao”, tiến sĩ Huy cho biết.