Sau 2 vòng phỏng vấn online, Khánh có được chiếc vé bay đến văn phòng Google ở Úc để tiếp tục thưc hiện 5 vòng phỏng vấn trực tiếp. Càng về sau, độ khó càng tăng lên, đôi lần Khánh rơi vào thế bí, nhưng...
Hải Khánh trong lần đến Nhật Bản tham gia chương trình giao lưu văn hóa, công nghệ JENESYS 2.0 - Ảnh: NVCC |
Tôi từng nghĩ mình hết hi vọng
Mang suy nghĩ “nộp đơn tìm việc từ lúc còn đi học để không gấp rút và có nhiều cơ hội chọn lựa sau khi ra trường”, từ năm 3 đại học, chàng sinh viên Nguyễn Hải Khánh (sinh năm 1994) đã tham gia và đạt được kết quả tốt trong cuộc thi trên mạng do Google tổ chức. Ngay sau đó, 9X này nhận được email đề nghi gửi CV cho Google.
Tuy nhiên, mãi đến tháng 8.2015, Khánh mới nhận được hồi đáp từ những người làm việc tại thung lũng Silicon (Mỹ). Google cho biết, họ đang cần tuyển một kỹ sư phần mềm vừa tốt nghiệp, làm việc toàn thời gian. Và anh là một trong những ứng viên họ muốn mời đến phỏng vấn.
|
|
Thành công trong 2 vòng phỏng vấn online, Khánh có được chiếc vé bay thẳng đến Úc để tiếp tục thưc hiện 5 vòng phỏng vấn trực tiếp khác. Càng về sau, độ khó của các thử thách càng tăng lên. Bên cạnh việc tiếp nhận trọn vẹn yêu cầu từ các chuyên gia, Khánh phải thể hiện ý tưởng của mình lên chiếc bảng trắng và lập trình trên máy tính.
Đôi lần, Khánh rơi vào thế bí, nhưng may mắn, chuyên gia Google không đánh giá ứng viên dựa trên kết quả hay kiến thức cụ thể mà coi trọng kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng viết mã nói chung.
Kể về những trải nghiệm tại văn phòng của Google ở Úc, điều Khánh tâm đắc nhất vẫn là cung cách nhân viên tại đây đối xử với “lính mới”. 9X kể: “Ấn tượng đầu tiên khi gặp gỡ những nhân viên tại đây là sự thân thiện và hết sức tôn trọng. Giữa 5 lần phỏng vấn là một buổi ăn trưa, tôi được một nhân viên của Google ngồi ăn chung và cùng trò chuyện, mình có thể nói bất cứ thứ gì và trao đổi như một người bạn, không hề gượng ép và căng thẳng”.
Hải selfie trước tòa nhà "Software Engineer" của Google - Ảnh: NVCC
|
Cuối cùng, sau những nỗ lực, Khánh đã nhận được cái gật đầu từ Google. Công việc cụ thể tại đây sẽ được 9X này chọn vào tháng 10 và có thể bắt đầu vào năm 2017.
“Cho đến lúc đó, tôi sẽ tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm làm phần mềm thực tế cũng như theo đuổi các môn học mình yêu thích khi còn trên ghế nhà trường”, Khánh nói thêm.
Để đến với Google, hãy chủ động!
Khánh là người có tính chủ động trau dồi cho mình những kỹ năng mềm một cách đáng khâm phục. Ngoài việc thường xuyên tham gia các cuộc thi online do các công ty tổ chức nhằm trau dồi kĩ năng giải quyết vấn đề, Khánh còn tập dượt các câu hỏi phỏng vấn trên mạng, một số trang web và sách hay để tạo ấn tượng tốt nhất cho nhà tuyển dụng, khi có cơ hội.
Tuy nhiên, 9X cũng cho rằng có một “profile” tốt thôi vẫn chưa đủ để các công ty lớn để mắt tới bạn vì họ có quá nhiều lựa chọn ngoài kia. Lúc này, ai có kinh nghiệm làm sản phẩm trong chuyên ngành càng nhiều thì phần thắng càng lớn.
Cọ xát thực tế giúp Khánh nhận ra: “Điều cốt lõi làm nên giá trị của các kỹ sư phần mềm tại các công ty lớn chính là khả năng viết mã, giải quyết vấn đề và thích nghi nhanh với công nghệ, ngôn ngữ mới”.
Kỹ sư tương lai của Google cũng chia sẻ một mẹo khác để có cơ hội đến với những công ty mình mơ ước, ngay khi vừa tốt nghiệp, đó là: tạo dựng các mối quan hệ với những người đang làm trong các công ty đó (nhất là những người Việt) và nhờ họ giới thiệu.
Các thành tích nổi bật của Nguyễn Hải Khánh:
- Giải 3 Học sinh giỏi Quốc gia môn Tin học năm 2011
- Huy chương vàng Olympic 30.4 môn Tin học năm 2011 - Giải khuyến khích Học sinh giỏi Quốc gia môn Tin học năm 2012 - Tham dự ACM-ICPC vòng regional năm 2012, 2013 - Tháng 5.2016, Khánh trở thành thực tập sinh 4 tháng tại trụ sở của Facebook |
Bình luận (0)