A Hy TV xin lỗi kiểu ‘bá đạo’, clip bôi nhọ dân tộc thiểu số vẫn còn

25/04/2020 10:29 GMT+7

Không thành khẩn là nhận xét về cách kênh hài A Hy TV xin lỗi. Cùng lúc, các clip bôi nhọ dân tộc thiểu số do A Hy TV vẫn tiếp tục tồn tại.

Xin lỗi không thành khẩn
A Hy TV xin lỗi là một clip rất mau chóng được làm sau khi công văn đề nghị xử lý kênh này vì nội dung bôi nhọ dân tộc thiểu số được Ủy ban Dân tộc gửi tới Bộ Thông tin - Truyền thông.
A Hy TV cũng nói về lý do làm clip: “Cũng thời gian gần đây, A Hy nhận được những lời chia sẻ và những trang mạng nói về kênh của A Hy vi phạm trong những cái điều khoản của luật mà A Hy không được biết đến”.
Sau đó, A Hy TV giải thích về các clip bị lên án vì xúc phạm đồng bào dân tộc thiểu số của mình: “Với kênh hài của A Hy thì xuất phát là cái hài dân dã để mang lại tiếng cười mọi người có niềm vui trong cuộc sống chứ ngoài ra không có một ý gì gọi là chia rẽ chủng tộc hay là bôi nhọ về một bản sắc dân tộc nào đó trên cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung”.
Cuối cùng, A Hy TV xin lỗi: “Và khi xây dựng các video clip thực ra là A Hy cũng đã chưa tìm hiểu hết những cái phong tục tập quán của từng dân tộc trên cộng đồng đồng bào dân tộc Việt Nam nói chung. Nếu vô tình trên kênh có những video động chạm tới bản sắc riêng của dân tộc nào đó thì cũng cho A Hy nói lời xin lỗi chân thành nhất đến quý vị và mọi người”.
Như vậy, A Hy TV cho rằng mình không cố ý chia rẽ chủng tộc, bôi nhọ bản sắc dân tộc nào đó. Đồng thời, A Hy TV cũng cho biết mình chưa tìm hiểu hết phong tục tập quán nên có thể vô tình động chạm tới bản sắc riêng của dân tộc.

A Hy TV cho rằng mình chỉ làm hài dân dã để mang lại tiếng cười

Ảnh chụp màn hình

Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng đây là ngụy biện của A Hy TV. Theo TS Mai Thanh Sơn, từ việc đặt tên đến tổ chức các tiểu phẩm đều là hành vi “dán nhãn” các dân tộc thiểu số.
Theo đó, họ được “dán nhãn” là người phong tục lạc hậu, ăn mặc dị hợm chẳng giống ai, kỹ thuật canh tác, phương tiện đi lại thô sơ. Họ cũng bị “dán nhãn” hay uống rượu, không quan tâm đến con cái, gia đình; quan hệ tình dục bừa bãi; cả tin, dễ bị lừa, đồng thời cũng lừa lọc người khác.
Ông Sơn nói: “Xin lỗi kiểu này là không được. Lấp liếm. Và quan trọng nhất là các video bôi nhọ cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn còn. Chúng vẫn đang tồn tại trên kênh khác, trên Facebook của chính A Hy TV”.
Trong khi đó, TS Vi Văn An, Bảo tàng Dân tộc học, cho rằng việc cố tình giễu nhại người dân tộc của A Hy TV như thế hoàn toàn chẳng có gì vui. “Không thể nói là đùa vui được khi anh xúc phạm người khác”, ông nói.

Không thể chỉ xử phạt hành chính

Một biểu hiện rõ hơn về việc cố tình lấy người dân tộc thiểu số ra làm lý do mua vui là việc vẫn tiếp tục có các clip đóng nhãn A Hy TV xuất hiện trên kênh Mường Thanh TV. Trên đó ghi rõ “hài dân tộc mới nhất 2020 cười há mồm”.
Tại video A Hy TV live stream bán mít cực ngầu, một tài khoản đã vào binh luận: “Muốn đóng hài thì tự làm theo cách sống và mặc trang phục của dân tộc mình đi. Đóng kiểu coi thường dân tộc Mông ngu như vậy sao. Xóa đi chúng tôi không hài lòng. Dân tộc chúng tôi không đến nỗi ngu vậy đâu”.

Kể những câu chuyện "anh dân tộc" với hình ảnh ngốc nghếch, thiếu hiểu biết, hám gái, mê rượu nhưng A Hy TV lại cho rằng đó là mang lại tiếng cười

Ảnh chụp màn hình

Cũng phải nói thêm, nhiều video với nội dung “dán nhãn” người dân tộc thiểu số trên A Hy TV hiện đang tồn tại tiếp trên Mường Thanh TV.
Nhiều độc giả Báo Thanh Niên cho rằng cần phải xóa những kênh này đi. Trong khi đó, TS Mai Thanh Sơn cho biết: “Chúng ta phải nói câu chuyện pháp luật ở đây. Tại sao không thể xử lý được những trường hợp như thế này, khi hiển nhiên là nó đang vi phạm Hiến pháp. Không thể chỉ phạt hành chính là xong. Luật Hình sự cũng quy định về tội phá hoại chính sách đoàn kết”.
Điều 116 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội phá hoại chính sách đoàn kết. Theo đó, tại khoản 1b có nhắc tới hành vi: “Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.
Rõ ràng, “hài dân tộc” của A Hy TV vẫn đang tiếp tục tồn tại trên mạng. Từ đó, chúng tiếp tục bôi nhọ hình ảnh đồng bào dân tộc thiểu số, ảnh hưởng tới chính sách đại đoàn kết dân tộc.
Hơn nữa, như trong văn bản của Ủy ban Dân tộc, nó còn “làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chủ trương, chính sách dân tộc của nhà nước ta trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực xây dựng và chuẩn bị báo cáo tình hình thực hiện Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) trước Liên Hiệp Quốc”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.