(TNO) Đối mặt với khoản thâm hụt ngân sách kỷ lục vì giá dầu giảm và chi phí quân sự tăng cao, Ả Rập Xê Út sắp tới có thể phải cắt giảm tiếp chi tiêu và phát hành thêm trái phiếu.
Bộ trưởng Tài chính Ả Rập Xê Út Ibrahim al-Assaf (phải) - Ảnh: AFP
|
AFP hôm 6.9 cho hay Ả Rập Xê Út - nền kinh tế lớn nhất Ả Rập và là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - đang đối mặt với khủng hoảng ngân sách sau khi giá dầu đã và đang giảm hơn một nửa, về mức dưới 50 USD/thùng.
Ngoài giá dầu thô, quốc gia Trung Đông cũng đang phải duy trì mức can thiệp quân sự tốn kém để chống lại quân nổi dậy Huthi ở nước láng giềng Yemen.
Tính đến nay, nước này vẫn đang tận dụng nguồn dự trữ tài chính khổng lồ để thu hẹp khoảng thâm hụt ngân sách nhưng mới đây, Bộ trưởng Tài chính Ibrahim al-Assaf cho hay Ả Rập Xê Út cần làm nhiều hơn nữa.
“Chúng tôi đang bắt đầu cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết”, ông Assaf nói trên kênh CNBC Ả Rập. Hiện không rõ quốc gia Trung Đông sẽ cắt giảm bao nhiêu chi tiêu nhưng ông Assaf cho biết chi tiêu cho giáo dục, sức khỏe và cơ sở hạ tầng sẽ không bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng Tài chính Ả Rập Xê Út nói thêm chính phủ sẽ phát hành trái phiếu kho bạc và trái phiếu Hồi giáo để “bù đắp thâm hụt ngân sách”. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo con số thâm hụt của đại gia dầu thô có thể lên đến mức kỷ lục 130 tỉ USD trong năm nay.
Hiện tại, nước này đã phát hành số trái phiếu trị giá dưới 100 tỉ riyal, tương đương 27 tỉ USD. Ông Assaf cho biết trước cuối năm nay, chính phủ dự định phát hành thêm trái phiếu thông thường và trái phiếu Hồi giáo cho các dự án đặc biệt.
Trước đó, Ả Rập Xê Út dự tính thâm hụt ngân sách chính thức trong năm 2015 vào khoảng 39 tỉ USD. Năm ngoái, thâm hụt ngân sách của nước này là 17,5 tỉ USD. Tăng trưởng kinh tế thì được IMF dự báo là sẽ tiếp tục hạ thấp, xuống còn 2,8% từ con số 3,5% của năm ngoái.
Quốc gia giàu dầu thô đã bơm ra thị trường 10,6 triệu thùng dầu mỗi ngày vào tháng 6 năm nay. Đây là hạn ngạch sản xuất cao nhất của Ả Rập Xê Út. Đến tháng 7, nước này giảm sản lượng xuống còn 10,4 triệu thùng/ngày.
Bình luận (0)