Ả Rập Xê Út phản đối G7 tịch thu tài sản Nga?

11/07/2024 15:09 GMT+7

Giới chức Ả Rập Xê Út phủ nhận thông tin cho rằng nước này gây sức ép lên nhóm G7 để phản đối việc phương Tây tịch thu tài sản Nga bị đóng băng.

Ả Rập Xê Út đã ngầm phản đối khả năng các nước thành viên nhóm G7 tịch thu khoảng 300 tỉ USD tài sản đóng băng của Nga, hãng tin Bloomberg hôm 9.7 dẫn các nguồn tin cho biết.

Theo Bloomberg, các quan chức Bộ Tài chính Ả Rập Xê Út đã ám chỉ rằng nước này sẽ bán ra một số khoản nợ của châu Âu nếu G7 xúc tiến việc tịch thu tài sản Nga.

Ukraine sắp có thêm nhiều tổ hợp Patriot, ông Biden hứa ưu tiên tên lửa

Các nguồn tin cho hay lời đe dọa úp mở này được đưa ra vào thời điểm tháng 5 và tháng 6, khi nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) cân nhắc nhiều phương án khác nhau liên quan đến tài sản bị đóng băng của ngân hàng trung ương Nga ở phương Tây. Khi đó, nhiều nước châu Âu không đồng ý về cách xử lý tài sản Nga ở nước mình, do lo ngại việc lấy lợi nhuận từ nguồn tài sản này có thể gây bất ổn và suy yếu đồng euro.

Sau cùng, các lãnh đạo G7 cũng đã đi đến thỏa thuận về kế hoạch cung cấp khoản vay 50 tỉ USD cho Ukraine vào cuối năm nay, được hỗ trợ từ lãi suất phát sinh của 300 tỉ USD tài sản bị đóng băng của Nga.

Ả Rập Xê Út phản đối G7 tịch thu tài sản Nga?- Ảnh 1.

Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed Bin Salman

REUTERS

Theo bản tin của Bloomberg, các nguồn tin cho hay vẫn chưa rõ Riyadh làm như vậy để thể hiện đoàn kết với Moscow hay vì lo sợ việc tịch thu tài sản sẽ tạo ra tiền lệ để nhiều nước khác có biện pháp tương tự trong tương lai.

Cũng theo các nguồn tin, dù Ả Rập Xê Út có bán ra trái phiếu châu Âu hay trái phiếu Pháp thì cũng không có nhiều khả năng gây ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế thế giới. Tuy nhiên giới chức châu Âu lo ngại các nước khác sẽ theo bước của Ả Rập Xê Út.

Hồi đáp Bloomberg, Bộ Tài chính Ả Rập Xê Út đã phủ nhận việc gây sức ép lên các nước G7 như truyền thông đưa tin, khẳng định không hề đưa ra đe dọa nào như vậy.

"Mối quan hệ của chúng tôi với G7 và các nước khác là tôn trọng lẫn nhau và chúng tôi tiếp tục thảo luận về mọi vấn đề thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu và tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống tài chính quốc tế", tuyên bố có đoạn.

Riyadh chưa đưa ra lập trường cụ thể về xung đột Nga-Ukraine. Nước này không tham dự hội nghị hòa bình tại Thụy Sĩ hồi tháng 6. Ả Rập Xê Út từng tổ chức hội nghị thượng đỉnh về giải pháp hòa bình tại Ukraine. Quốc gia này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm trung gian để Moscow và Kyiv trao đổi tù nhân hồi năm 2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.