Hai nhà xuất khẩu dầu hàng đầu là Ả Rập Xê Út và Nga sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu cho đến cuối năm nay, do lo ngại về nhu cầu thấp và tăng trưởng kinh tế trì trệ. Trong đó, Ả Rập Xê Út sẽ giảm sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng mỗi ngày, xuống còn 9 triệu thùng/ngày trong tháng 12 tới.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Năng lượng Ả Rập Xê Út cho biết việc cắt giảm sản lượng tự nguyện nhằm củng cố các nỗ lực phòng ngừa rủi ro của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ, gọi tắt là OPEC, và các đối tác, còn gọi là OPEC+, nhằm hỗ trợ sự ổn định và cân bằng của thị trường dầu mỏ.
Sau tuyên bố của Ả Rập Xê Út, Nga cũng thông báo sẽ tiếp tục tự nguyện cắt giảm nguồn cung thêm 300.000 thùng/ngày cho đến cuối tháng 12.2023.
OPEC+ đã cắt giảm sản lượng kể từ năm ngoái với mục đích góp phần duy trì ổn định thị trường. Giá dầu đạt mức cao nhất trong năm 2023 vào tháng 9, lên gần 98 USD/thùng đối với dầu thô Brent. Tuy vậy, kể từ đó giá dầu đã suy yếu và giao dịch quanh mức 85 USD/thùng tính tới ngày 3.11, bất chấp ảnh hưởng từ cuộc xung đột ở Trung Đông.
Ả Rập Xê Út, quốc gia trên thực tế đang lãnh đạo OPEC, lần đầu tiên tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu vào tháng 7. Động thái này thuộc khuôn khổ thỏa thuận hạn chế nguồn cung rộng rãi được một số thành viên của OPEC+ nhất trí thực hiện lần đầu tiên vào tháng 4.
Tới tháng 9, Ả Rập Xê Út thông báo gia hạn việc giảm sản lượng cho đến cuối năm và sẽ xem xét lại quyết định này mỗi tháng. Nhu cầu dầu toàn cầu đang suy yếu, xuất phát từ đà phục hồi kinh tế chậm của Trung Quốc và hoạt động sản xuất đang có xu hướng đình trệ ở hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới. Việc Ả Rập Xê Út và Nga cắt giảm sản lượng sẽ gây ra tình trạng giảm nguồn cung, qua đó khôi phục giá dầu.
Bình luận (0)