Thời tiết những ngày này tại Sapporo đúng là rất đỏng đảnh, mới hôm trước lạnh đến âm 13 độ C khiến ai nấy cũng co ro trong giá rét. Vậy mà sáng nay một tia nắng ấm xuất hiện từ rất sớm kéo theo những đợt gió nhẹ mát rượi, trong lành khiến hầu hết VĐV tham gia thi đấu tại Á vận hội mùa đông bật nhanh ra khỏi chăn để tranh thủ đi tập sớm. Đoàn Việt Nam cũng không ngoại lệ khi HLV Lê Quân liên tục thúc giục mọi người lên đường sớm đến điểm tập kết thi đấu, quyết tập hết mình để bù vào ngày hôm trước bị bão tuyết không tập được.
3 VĐV thi môn trượt tuyết ván đôi nhanh chóng có mặt tại khu Shirahatayma với sự phấn khích lạ thường. Phạm Tiến Đạt hồ hởi cho biết: “Hôm nay trời đẹp hy vọng chúng tôi sẽ có buổi tập tốt để mọi chuyện sẽ thuận lợi trước khi bước vào thi đấu ngày 24.2 tới”.
Còn Nguyễn Văn An nói: “Càng ngày tôi càng thích môn trượt tuyết ván đôi này và dù biết rằng điều kiện tập luyện tại VN mình không có nhưng trót đam mê tôi sẽ nỗ lực đến cùng...”. Người có vẻ lo lắng nhất lại là Nguyễn Võ Hữu Vinh, dù háo hức nhưng không tránh khỏi chút tâm lý căng thẳng. Vinh nói: “Trong 3 VĐV thi môn này tôi là người được bổ sung sau cùng, thời gian làm quen chưa nhiều như các bạn. Do vậy tôi cũng có chút hồi hộp, nhưng tôi hy vọng với tinh thần thoải mái, mình sẽ thể hiện được những gì đã học hỏi”.
|
Tuy nhiên sự phấn khích này đã bị dội “gáo nước lạnh” khi do quá đông VĐV tham gia tập luyện, nên BTC không sắp xếp cho các VĐV Việt Nam qua tập ở đường đua chính có độ dốc 13 đến 24 độ, mà lại tập ở đường đua phụ cạnh đó có độ dốc 13 độ. HLV Lê Quân cho biết: “Với độ dốc này sẽ khó khăn hơn rất nhiều cho các VĐV vì dốc đứng như vậy trượt xoay chân không dễ dàng“. Thêm vào đó, do trời ấm lên nhiều đoạn tuyết tan tạo ra những rãnh nước nên VĐV Việt Nam trượt bị ngã liên tục. Ngay buổi tập đầu, Phạm Tiến Đạt đã bị ngã té đến 20m, rồi đến Nguyễn Văn An và Hữu Vinh ai cũng ít nhất 2-3 lần "đo đường”. Nhìn chung sau khoảng 6 lượt tập vào buổi sáng thì Tiến Đạt thi đấu ổn định nhất, kế đến là Văn An và Hữu Vinh lúc được lúc không.
Đến buổi trưa các VĐV tranh thủ tập để đề phòng chiều trời tối sớm thì bất ngờ BTC gỡ hết toàn bộ cờ khiến đoàn Việt Nam ngớ người. Vì tập mà không có mục tiêu trước mắt, không có cọc dẫn đường thì chẳng khác nào “tập chay”. Giải thích với BTC để hy vọng họ cắm lại thì nhận được cái lắc đầu vì theo quy định, BTC chỉ bố trí các đội tập đến 12 giờ nên cọc chỉ đến giờ đó, đội nào tập thêm thì tự xoay sở. Thế là từ HLV Lê Quân đến các VĐV không còn cách nào khác phải định hướng đường đua để tập một cách khó nhọc. Sau buổi tập kết thúc lúc gần 5 giờ chiều, đoàn Việt Nam mệt lả, nhưng tâm trạng ai cũng vui vì có được một ngày tập trọn vẹn, thêm cơ hội thích nghi với môn thi vào ngày 24.2.
Trong khi đó, VĐV Nguyễn Đức Mạnh, người cầm cờ cho đoàn thể thao Việt Nam tại Lễ khai mạc cũng đến khu Circui Stadium để tập môn trượt tuyết băng đồng. Đây là buổi tập thứ 3 của Mạnh tại sân thi đấu chính và do cận kề ngày đấu (23.2), nên VĐV này chủ động giảm khối lượng cho phù hợp. Thay vì “nuốt’ đoạn đường 10 km, Mạnh chỉ tập 5 km.
|
Anh giải thích: ”Tôi cần phải phân phối sức cho cuộc đua giống như marathon này. Vì trượt tuyết băng đồng đòi hỏi kết hợp hài hòa vừa phải sử dụng ván trượt nhanh mà gậy trượt cũng phải hợp lý. Hơn nữa cần phải tính toán những cung đường cần đẩy tốc độ mà đoạn đường 10 km về nguyên tắc thường lập lại 2 phần na ná như nhau. Tôi tin là mình sẽ về đích tốt...”.
VĐV Trịnh Đình Thời, người đi theo hỗ trợ cho Đức Mạnh nhận xét: “Trong suốt buổi tập, Mạnh rất cố gắng và thể hiện tâm lý thi đấu tốt. Quan trọng là Mạnh có những phản xạ nhanh với môn thi đấu này và rất biết chọn cho mình cách chơi thuận lợi nhất”.
11 giờ ngày mai, 23.2, Đức Mạnh sẽ thi nội dung trượt tuyết băng đồng. Cũng như nội dung thi ngày đầu của Việt Nam do Mạnh không có điểm ranking nên anh sẽ xuất phát sau và đó cũng sẽ là bất lợi cho VĐV Việt Nam. Dù vậy Mạnh cho biết anh sẽ nỗ lực để chiến thắng chính mình.
|
|
|
|
|
|
|
|
Bình luận (0)