Á vận hội mùa đông 2017: Việt Nam nên phát triển môn thể thao trên băng nào?

21/02/2017 19:55 GMT+7

Trong dịp cùng đoàn thể thao Việt Nam tham dự Á vận hội mùa đông lần 8 tại Sapporo (Nhật Bản), chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy sự phát triển của bè bạn trong khu vực, nhất là các môn trên băng (thi đấu trong nhà) mà nhiều quốc gia Đông Nam Á đang tham gia.

Thú thực các loại hình môn trượt tuyết (thi đấu ngoài trời ở những vùng đồi núi cao, tốc độ gió mạnh, bão tuyết liên tục) không phù hợp với bất cứ VĐV Đông Nam Á nào. Dù một vài VĐV rất cố gắng, trong đó có VĐV Việt Nam, nhưng do điều kiện môi trường tại quê nhà không có tuyết, việc tập luyện rất bất lợi. Còn nếu đi tập dài hạn ở xa thì kinh phí cũng như trang thiết bị cũng là vấn đề khiến nhiều VĐV “chùn chân”, vì chưa chắc thành tích đã như mong đợi. Hơn nữa, VĐV Đông Nam Á thể hình bé rất khó gây bất ngờ khi so sánh với các VĐV trượt tuyết ván nhọn chuyên dụng sải dài, nhanh, tốc độ kinh hồn của Trung Quốc, Hàn Quốc hay Trung Á như Kazakhstan.
Do vậy không phải ngẫu nhiên mà việc Việt Nam tham dự ngày hội lớn này được coi là dũng cảm, nếu nói một cách dân dã là ‘điếc không sợ súng” vì trượt tuyết không phải là trò chơi dành cho VĐV Việt Nam. Nhưng do đề nghị của ủy ban Olympic châu Á để mở rộng các quốc gia tham gia xây dựng ngôi nhà chung châu Á và sự đồng thuận từ ủy ban Olympic Việt Nam, Tổng cục TDTT, chúng ta cũng có một đoàn thể thao Việt Nam tham gia để hội nhập và ít ra đến giờ phút này đã để lại ấn tượng tương đối tốt cho người hâm mộ tại Sapporo và các đoàn bạn.
Nhưng với câu chuyện chuyên môn thì Á vận hội mùa đông lần 8 cho chúng ta một cái nhìn khách quan. Trước hết tại sao 5/7 nước Đông Nam Á tham dự môn hockey trên băng và rất nhiều VĐV của Đông Nam Á dự các môn trên băng là chính. Bởi trước hết các môn trên băng đều thi trong nhà, nhiệt độ không quá lạnh phù hợp với thể trạng VĐV Đông Nam Á, tạo sự thích nghi cần thiết cho công tác chuẩn bi thi đấu.
Hơn nữa, có rất nhiều môn trên băng mà nếu thể thao Việt Nam chọn lọc kỹ hoàn toàn có thể phát triển sớm được. Trước hết là môn trượt băng tốc độ, nó cũng hệt như môn trượt patin mà VĐV Việt Nam từng thi tài. Vấn đề là phải đầu tư trang thiết bị, làm một sân băng và trang bị các dụng cụ bổ trợ cần thiết.Theo tính toán của một quan chức ngành thể thao thì phải mất khoảng 6.000 tỉ đồng cho việc tạo ra một sân băng đúng chuẩn
Môn thứ hai là curling hay còn gọi là bi đá trên băng. Môn này rất dễ chơi vì giống bi sắt mà chúng ta hay tranh tài ở SEA Games. Môn Curling đòi hỏi VĐV phải bắn bóng vào tâm vòng tròn mới được điểm và đá càng xa đối thủ càng tôt. Mỗi trận đáu 10 hiệp, rất gay cấn vì từng VĐV 2 đội thi nhau đẩy bóng (là cái đĩa lớn) và 2 VĐV chạy trước phải quét cho bóng không bi ma sát giống như sút phạt đền thì cơ hội chiến thắng sẽ rất lớn. Với môn này sân thi đáu cũng phải trên băng dĩ nhiên là tốn kém, nhưng đầu tư môn này sẽ dễ chơi hơn.
Một môn khác là trượt băng nghệ thuật. Đây là môn có trong chương trình Olympic nên cần khai thác và tận dụng chất xám của các VĐV sinh sống và học tập ở nước ngoài. Ông Mai Bá Hùng, Phó giám đốc Sở VHTT TP.HCM, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tham dự ở Sapporo đến giờ vẫn còn tiếc hùi hụi cơ hội tham dự môn trượt băng của Việt Nam, khi VĐV Nguyễn Minh Trí Anh đang học tập và sinh sống ở Úc sẵn sàng đầu quân cho đất nước thi đấu tại Á vận hội. Vì gia đình anh là người Việt và bản thân Trí Anh cũng còn hộ chiếu Việt Nam. Trí Anh từng có thành tích cực tốt, giành huy chương đồng giải quốc tế tại Hàn Quốc và được dự báo có thể gây bất ngờ tại Sapporo. Nhưng giờ chót do Việt Nam chưa tham gia Liên đoàn trượt băng thế giới nên Trí Anh bị gạch tên đáng tiếc. Nếu có sự đầu tư sớm dành cho trượt băng nghệ thuật, làm sân tập, đào tạo VĐV, thiết nghĩ thể thao Việt Nam có thể hòa nhập được ở môn này.
Cuối cùng khúc côn cầu trên băng Việt Nam có nên chơi không? Các nước Đông Nam Á tham gia rất đông, một phần vì BTC tách ra đến 3 hạng khác nhau và hạng nào cũng có huy chương. Ví dụ nhóm 1 là các cường quốc (4 đội) tranh với nhau như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Kazakhstan. Nhóm 2 có 6 đội gọi là Top division 1 trong đó có Thái Lan và Singapore cũng tranh vòng tròn để xác định 1 đến 3. Và nhóm 3 Top divison 2 có Malaysia, Indonesia, Philippines. Việc tách nhóm này tạo ra các trận đấu ngang bằng trình độ hơn, các đội nhỏ mới chịu phấn đấu, chứ chênh lệch lớn quá thì họ đấu làm gì.
Hôm qua chúng tôi đã chứng kiến 2 trận nhóm 2 giữa Đài Loan, Singapore và Thái Lan gặp Hong Kong và thấy rằng nếu thể thao Việt Nam chịu đầu tư khúc côn cầu thì chơi ở nhóm 3 sẽ vừa sức. Vấn đề cỏn lại là phải tuyển chọn cho được lực lượng chơi tốt nhất vì đây là môn va chạm rất dữ, nhiều khi giáp la cà và phải có kỹ năng chơi bóng trên băng thật tuyệt.
Việt Nam không thể tập trong điều kiện thời tiết xấu
Hôm nay theo kế hoạch đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) tham dự Á Vận Hội Mùa Đông 2017 sẽ có buổi tập tại vùng rừng núi Shiratayama, cách trung tâm thành phố Sapporo hơn 15 km để chuẩn bị cho 3 VĐV sẽ thi nội dung trượt tuyết ván đôi trong ngày 24.2 là Nguyễn Văn An, Phạm Tiến Đạt, Nguyễn Võ Hữu Vinh. Thế nhưng mọi sự chuẩn bi của thầy trò HLV Lê Quân đều bị “phá sản” do tuyết rơi quá dày tại nơi thi đấu kèm với gió lớn với nhiệt độ khoảng âm 14 độ C khiến cả đoàn VN không thể nào tập được. Tình hình này không phải chỉ xãy ra với đoàn VN khi hầu hết các đoàn khác như UAE, Iran, Mông Cổ, Phippines tham dự các môn trên tuyết này cũng “bó tay” với thời tiết. HLV Lê Quân đã đổi kế hoạch cho đội tập Gym.
Dưới đây là hình ảnh từ Sapporo
Thi đấu môn curling (bi đá)
Cổ động viên nhí ủng hộ các đội
 
VĐV Đài Loan và Singgapore tranh nhau quyết liệt
Đoàn VN tìm hiểu thông tin đội Khúc câu cầu tử Thái Lan
Thi đấu môn curling (bi đá) Quang Tuyến
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.