Một khảo sát của công ty giường ngủ Amerisleep (Mỹ) thực hiện trên 2.000 người cho thấy té ngã, bị rượt đuổi và chết là 3 loại ác mộng phổ biến nhất, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Ác mộng có thể khiến tim đập nhanh và tăng huyết áp tạm thời |
SHUTTERSTOCK |
Giấc mơ thường xảy ra trong giai đoạn giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (REM). REM chiếm khoảng 20% thời lượng giấc ngủ cả đêm. Trong giai đoạn này, con người có thể thấy cả giấc mơ tốt và giấc mơ xấu.
Vì xuất hiện trong giai đoạn REM nên các cơn ác mộng thường xảy ra vào khoảng nửa đêm. Người thấy ác mộng có thể nhớ rất chi tiếc giấc mơ của mình khi thức dậy. Trẻ nhỏ từ 3 đến 6 tuổi là những đối tượng thường gặp ác mộng nhất.
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải chính xác nguyên nhân vì sao ác mộng lại xuất hiện. Tuy nhiên, ác mộng có thể ảnh hưởng đến cảm xúc và gây ra những tác động thể lý đến cơ thể.
Những cơn ác mộng có thể khiến tim đập nhanh và tăng huyết áp tạm thời. Chúng cũng có thể khiến ta đổ nhiều mồ hôi và thở nhanh hơn, Psychology Today dẫn lời chuyên gia giấc ngủ người Mỹ Michael Breus.
Tất cả những phản ứng trêm đều bắt nguồn từ hạch hạnh nhân trong não. Hạch hạnh nhân là nơi chịu trách nhiệm cho cảm giác sợ hãi của con người. Nó sẽ kích hoạt phản ứng chiến đấu hay bỏ chạy trước các mối đe dọa. Khi gặp ác mộng, hạch hạnh nhân cũng sẽ bị tác động dù mối đe dọa chỉ tồn tại trong nhận thức chứ không có thật.
Môt điều thú vị khác là các cơn ác mộng cũng ảnh hưởng đến cơ bắp. Trong giai đoạn giấc ngủ REM, các cơ bắp sẽ bất động. Nhưng khi gặp ác mộng, một số người sẽ phản ứng bằng cách khua tay, chân, la hét và thể hiện cảm xúc trên mặt y hệt như khi còn thức.
Chưa dừng lại ở đó, ác mộng vẫn có thể ảnh hưởng đến tâm trạng ngay cả khi chúng ta đã thức dậy và bình tĩnh trở lại. Các nghiên cứu cho thấy người gặp ác mộng có thể tua đi tua lại nhiều lần các tình tiết trong cơn ác mộng trong khoảng thời gian 2 ngày sau đó.
Thông thường, ác mộng sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy lo lắng, sợ hãi vì ác mộng thì hãy đến gặp bác sĩ tâm thần hay chuyên gia trị liệu tâm lý. Dùng thuốc cũng như các phương pháp trị liệu có thể giúp cải thiện hiệu quả tình trạng đang gặp, theo Healthline.
Bình luận (0)