Ác mộng kép với bệnh viện Gaza: giao tranh bùng lên giữa dịch Covid- 19

18/05/2021 14:25 GMT+7

Nhiều bệnh viện tại thành phố Gaza (Palestine) đang phải chật vật chữa trị cho cả những bệnh nhân nhiễm Covid - 19 và những bệnh nhân bị thương trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine nổ ra vào cuối tuần trước.

Nhiều bệnh viện tại thành phố Gaza (Palestine) đã phải chật vật đối phó với dịch Covid- 19 trước khi cuộc xung đột giữa Palestine và Israel nổ ra vào cuối tuần trước. Các bác sĩ cho biết tình trạng này tại những bệnh viện vẫn sẽ còn tiếp diễn.
Bộ Y tế đang phải chiến đấu trên cả hai mặt trận tại Dải Gaza - mặt trận chống virus corona và mặt trận kia là chữa trị cho những người bị thương trong cuộc xung đột, cũng là mặt trận khó khăn hơn,” theo ông Marwan Abu Sada, trưởng khoa phẫu thuật tại cơ sở chính bệnh viện Shifa, thành phố Gaza.
Palestine và Israel đã trải qua một tuần giao tranh. Người Palestine bị không kích cả ngày lẫn đêm, còn người Israel phải chạy tìm nơi để ẩn nấp khi còi báo động hỏa tiễn vang lên. Trong khi đó, các bác sĩ tại Gaza dốc sức phục vụ bệnh nhân.
Bệnh viện Shifa là cơ sở y tế lớn nhất trong số 13 bệnh viện và 54 phòng khám đang phục vụ cho hơn 2 triệu dân ở Gaza. Tại đây, số giường chăm sóc đặc biệt đã tăng gấp đôi lên đến 32 giường khi số người bị thương do cuộc xung đột tăng lên. 

Các bác sĩ tại Gaza đang phải dốc sức phục vụ bệnh nhân Covid- 19 và bệnh nhân bị thương do cuộc xung đột giữa Hamas và Israel.

Reuters

Bác sĩ Marwan Abu Sada chia sẻ như sau: “Do dịch Covid-19 tại thành phố Gaza mà khoa này đã phải chuyển thành nơi điều trị chăm sóc đặc biệt (ICU) cho bệnh nhân Covid-19 với 10 giường bệnh. Tuy nhiên, do tình trạng khẩn cấp và không kích ngày càng dồn dập tại dải Gaza từ phía Israel, khoa này đã phải chuyển lại như mục đích ban đầu, trở lại điều trị cho các bệnh nhân bị thương do cuộc các cuộc xung đột."
Như các cơ sở y tế khác, bệnh viện Shifa gồm 750 giường bệnh này đã phải đương đầu với thiếu hụt thuốc men và dụng cụ y tế trước khi cuộc xung đột xảy ra hôm 10.5. Các bác sĩ nói tình trạng này có nguyên nhân là lệnh phong toả Gaza do Israel áp đặt và được sự ủng hộ của Ai Cập, nước có chung biên giới với Gaza. Israel cho rằng biện pháp này nhằm ngăn chặn vũ khí đến tay các nhóm dân quân.
Không chỉ có thiếu thốn thuốc men, nhiên liệu chạy máy phát điện cho các bệnh viện ở Gaza cũng đang dần cạn kiệt khi nguồn điện chính không ổn định.

Bệnh viện Shifa đang phải đương đầu với việc thiếu hụt giường bệnh, thuốc men.

Reuters

Israel nói lệnh phong toả của họ không nhằm ngăn chặn nguồn cung cấp thuốc men hay cứu trợ nhân đạo, và nếu có thiếu hụt thì đều bị gây ra bởi Hamas, một nhóm Hồi giáo nắm quyền điều hành Gaza từ năm 2007, khi lệnh phong toả được áp dụng.
Bộ trưởng ngoại giao Israel đăng trên Twitter hôm 17.5, cho biết “Hamas đã xây dựng một mạng lưới địa đạo tại Gaza, bên dưới nhà của những người Palestine. Họ lợi dụng ngân quỹ dành cho y tế và phúc lợi để mở rộng cỗ máy khủng bố của mình.”
Hamas đã bác bỏ cáo buộc trên.
Chính quyền Palestine cho biết đã có 201 người thiệt mạng tại Gaza kể từ khi cuộc xung đột nổ ra, và hàng trăm người bị thương bởi mảnh đạn hoặc mảnh vụn từ các tòa nhà sụp đổ.
Về phía Israel, đã có 10 người thiệt mạng và nhiều người bị thương khi Hamas phóng hoả tiễn trả đũa. Một số người đang trong tình trạng nguy kịch.
Quân đội Israel nói Hamas và các nhóm phiến quân khác đã bắn khoảng 3.150 hỏa tiễn trong tuần vừa qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.