ADB cho vay 45 triệu USD nâng cao tính cạnh tranh của các điểm du lịch

10/12/2018 17:47 GMT+7

Một số điểm du lịch dịch vụ còn sơ sài như Cửa Lò (Nghệ An), Cửa Tùng và Cửa Việt (Quảng Trị) sẽ được ADB cho vay vốn đầu tư thêm hạ tầng để thu hút thêm du khách và phát triển bền vững hơn.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã phê duyệt khoản vay trị giá 45 triệu USD giúp Việt Nam chuyển đổi các thành phố loại hai thành các điểm đến du lịch có tính cạnh tranh và phát triển đồng đều hơn về kinh tế.
Khoản kinh phí trên thuộc khuôn khổ dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) giai đoạn 2, sẽ giúp xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tỉnh Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Dự án cũng sẽ phát triển không gian đô thị xanh và bãi biển công cộng ở các tỉnh này, kỳ vọng mang lại lợi ích cho khoảng 168.000 người dân và hơn 8 triệu du khách mỗi năm.
Lý giải mục đích thực hiện dự án này, ông Steven Schipani, Trưởng Ban quản lý dự án, Cơ quan đại diện thường trú của ADB tại Việt Nam, cho biết: “Du lịch đang tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam, song hầu hết tập trung ở một số ít điểm đến là cửa ngõ quốc gia. Để thúc đẩy tăng trưởng đồng đều và bền vững hơn, điều quan trọng đối với Việt Nam là phải gia tăng đầu tư của nhà nước và tư nhân cho các thành phố đô thị loại hai”.
Dự án sẽ cải tạo 31 km đường nông thôn - thành thị và 13 bến thuyền phục vụ hành khách, giúp người dân và du khách tiếp cận thuận lợi các địa danh văn hóa, lịch sử ở tất cả các tỉnh tham gia dự án.
Để giúp thành phố Cửa Lò (Nghệ An) thu hút thêm du khách với tiềm năng chi tiêu cao hơn trong suốt cả năm, cũng như tăng khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, dự án sẽ cải tạo kè biển dài 5,5 km và thoát nước dọc đường đi dạo ven biển, cải thiện các khu vực giải trí công cộng và mở rộng không gian chợ cho những người bán hàng ở địa phương.
Các bãi biển Cửa Việt và Cửa Tùng tại Quảng Trị sẽ được hưởng lợi từ những hoạt động đầu tư tương tự.
Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án cũng có các khóa đào tạo, tập huấn, các chương trình chứng nhận và cơ chế khuyến khích về chính sách, nhằm giúp việc quản lý du lịch tại các khu vực dự án đáp ứng tiêu chuẩn của ASEAN.
Theo ADB, thiết kế dự án tích hợp đã lồng ghép các bài học kinh nghiệm từ hơn 15 năm hỗ trợ phát triển du lịch đồng đều và bền vững của ADB tại Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.