ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm nay

28/04/2021 17:52 GMT+7

ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2021 và 7% trong năm 2022 - mức tăng trưởng mạnh và vững chắc có được nhờ thành công trong việc kiềm chế đại dịch Covid-19 .

Thông tin này được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra trong buổi công bố Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam ngày 28.4.

Niềm tin của người tiêu dùng đã phục hồi

Các động lực tăng trưởng, theo ADB, sẽ là công nghiệp, đầu tư gia tăng và thương mại mở rộng.
Công nghiệp dự báo sẽ tăng 9,5% trong năm 2021, đóng góp 3,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.
Các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước mới được dự báo sẽ thành lập nhờ có vắc xin Covid-19 tạo thuận lợi cho việc đi lại trong nước cũng như cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam sẽ làm tăng nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu.
Xây dựng được dự báo sẽ tăng nhanh khi Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng lớn trong năm 2021 và lãi suất thấp kích thích hoạt động xây dựng bất động sản.
Khu vực dịch vụ được dự báo sẽ phục hồi tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2021, đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.  
Khu vực nông nghiệp cũng được dự báo sẽ hoạt động mạnh hơn nhờ các cải cách cơ cấu được duy trì, cải thiện tiếp cận thị trường đối với hàng nông sản xuất khẩu theo các hiệp định thương mại tự do khu vực và giá lương thực toàn cầu cao hơn do nhu cầu tăng.
Đầu tư gia tăng sẽ là một động lực tăng trưởng then chốt trong năm nay và năm sau, theo ADB.
Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát Covid-19 và luật Đầu tư được ban hành tháng 1.2021 giảm bớt các rào cản quy định về kinh doanh được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc thu hút đầu tư nước ngoài. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tăng 17,8% trong quý 1/2021 so với quý 1 năm trước. Tăng trưởng tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhờ đầu tư tư nhân, vốn đã tăng đáng kể, với yếu tố xúc tác là mặt bằng lãi suất thấp và chi tiêu công tăng.
Tiêu dùng cá nhân dự báo sẽ phục hồi song song với đầu tư tư nhân và lạm phát thấp. Bán lẻ tăng 5,1% trong quý 1/2021, cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đã phục hồi. Lòng tin của doanh nghiệp gia tăng, phản ánh qua kết quả điều tra doanh nghiệp tháng 12.2020, trong đó 80% doanh nghiệp được điều tra dự báo tình hình kinh doanh trong năm 2021 sẽ khá hơn hoặc giữ ổn định.
Lạm phát trong quý 1/2021 giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2016 do chi phí vận tải giảm và nhu cầu yếu. Nhưng giá dầu thế giới đang tăng trong xu hướng kinh tế toàn cầu phục hồi và tiêu dùng trong nước cũng tăng dự báo sẽ làm cho lạm phát tăng lên 3,8% trong năm nay và 4% trong năm 2022.

Rủi ro chính sẽ là Covid-19 bùng phát trở lại

Thương mại sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ trong năm 2021, được hỗ trợ bởi sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc và Mỹ, hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và nhờ Việt Nam tham gia vào 15 hiệp định thương mại tự do lớn với hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới.
Việt Nam đạt mức xuất siêu hàng hoá 2 tỉ USD trong quý 1 năm nay, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 34,35% và sang Mỹ tăng 32,8%. Xuất khẩu hàng hoá được dự báo sẽ tăng 8% trong năm nay và năm tới.
Về tín dụng, ADB cho rằng, sự gia tăng trên thị trường chứng khoán và bất động sản từ cuối quý 1/2021, dự báo tỷ lệ nợ xấu tăng khi đại dịch qua đi và lạm phát tăng nhẹ trong năm 2020 mặc dù tăng trưởng giảm - là những yếu tố không ủng hộ việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tới.
Tuy nhiên, chính sách tài khoá sẽ tiếp tục mở rộng do nhu cầu chi tiêu cho các chương trình an sinh xã hội, chăm sóc y tế và tiêm vắc xin, có thể dẫn đến khả năng làm tăng thâm hụt tài khoá lên mức cao hơn mục tiêu bội chi ngân sách cho năm 2021 ở mức 4% GDP.
ADB đánh giá rủi ro chính trong thời gian tới là đại dịch bùng phát trở lại. Nếu chậm trễ trong triển khai vắc xin, Covid-19 sẽ có thể tác động ngay đến khả năng Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh như trước khi có dịch. Sự phục hồi nhanh chóng của đầu tư tư nhân trong nước cũng có thể làm gia tăng rủi ro bong bóng tài sản nếu như nguồn vốn không được dẫn hướng vào các lĩnh vực sản xuất.  
Tính toán của ADB vào tháng 12.2020 cho thấy tác động đáng kể của đại dịch Covid-19 đối với thu nhập.
Tác động của đại dịch sẽ làm giảm thu nhập trên đầu người của hộ gia đình trung bình 9,8%, và nhóm có thu nhập thấp nhất sẽ bị giảm đến 10,2%, trong khi tỷ lệ hộ nghèo trong ngũ phân vị có thu nhập nghèo nhất sẽ tăng 40%.
Do các hộ gia đình ở nông thôn cung cấp lao động di cư nhiều hơn, nên họ sẽ bị tổn thất thu nhập từ nguồn người lao động di cư gửi tiền về nhà nhiều hơn so với các hộ gia đình ở đô thị, và các hộ gia đình có phụ nữ làm chủ hộ sẽ bị tổn thất kiều hối cả từ nước ngoài lẫn trong nước nhiều hơn so với hộ gia đình do nam giới làm chủ hộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.