Ngày 15.8, lực lượng Taliban bao vây thủ đô Kabul của Afghanistan. Các đại diện của Taliban cũng tiến vào dinh tổng thống Afghanistan để đàm phán. Tuy nhiên, Tổng thống Ashraf Ghani của Afghanistan được cho là đã rời đất nước.
Mỹ đã đổ quân sang Afghanistan để đánh bại các phần tử khủng bố al-Qaeda, nhóm đứng sau các cuộc tấn công ngày 11.9.2001, và lật đổ chế độ Taliban đã che chở cho chúng. Tuy nhiên, các lãnh đạo Taliban đã chạy sang nước láng giềng Pakistan. Khi Washington dồn sức vào cuộc chiến ở Iraq, Taliban quay lại Afghanistan.
Sau hơn 20 năm tổn thất gần 2.500 sinh mạng và 2.000 tỉ USD vào Afghanistan, Mỹ vẫn không dập tắt được Taliban. Cuối cùng, Washington quyết định kết thúc một trong những cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước mình bằng việc cùng các đồng minh rút quân về nước từ tháng 5. Chưa đầy 3 tháng sau, khi Mỹ còn chưa hoàn thành việc rút quân, chính quyền ở Kabul sụp đổ. Đây là một thất bại ê chê của người Mỹ.
Tuy nhiên, Mỹ không phải là cường quốc đầu tiên thua cuộc ở Afghanistan, đất nước có biệt danh “mồ chôn của các đế chế”.
Thuở đầu của Afghanistan
Thời cổ đại, Afghanistan được biết đến với cái tên Aryana. Sau đó, đất nước này được gọi là Khorasan ở thời trung đại. Tên gọi Afghanistan, nghĩa là “vùng đất của người Afghan”, bắt đầu được sử dụng từ giữa thế kỷ 18 khi người Afghan (Pashtun) bắt đầu chiếm ưu thế.
Khoảng năm 1500 TCN, các chiến binh người Arya từ Trung Á đã xâm lược vùng đất Bactria, nơi ngày nay thuộc về Afghanistan, Tajikistan, Uzbekistan và một phần nhỏ của Turkmenistan.
Đến năm 522 TCN, Bactria rơi vào sự cai trị của người Ba Tư sau cuộc xâm lược của Vua Darius I, hay Darius Đại đế, vị vua thứ ba của Đế quốc Achaemenid (Đế quốc Ba Tư thứ nhất).
Giai đoạn năm 328 đến 327 TCN, Alexander Đại đế và đội quân của ông chiếm đóng Hindu Kush và vùng đất ở hai bên bờ sông Amu Darya của Afghanistan. Alexander Đại đế đã xây dựng thành phố Kandahar, nơi ngày nay là phía nam Afghanistan.
Sau khi Alexander Đại đế qua đời, Đế chế Maurya từ Ấn Độ kiểm soát hầu hết Afghanistan. Phật giáo và Ấn Độ giáo lan rộng khắp vùng trong thời kỳ này. Đế chế Maurya sụp đổ, các bộ lạc ở Afghanistan bắt đầu nổi lên. Họ có tiếng là những nhóm người hiếu chiến sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ của mình.
Nhiều bộ lạc khác nhau đã thành lập các đế chế trong khu vực Afghanistan trước khi chia tách thành các tiểu vương quốc. Những nhóm người này bao gồm Greco-Bactrian, Indo-Parthia, Saka (Scythia), Kushans, Kidarites và Hephthalite (White Huns).
Người Ả Rập đến Afghanistan vào khoảng năm 642 và chiếm được Kabul vào năm 664. Cuộc xâm lược của người Ả rập, dưới sự lãnh đạo của Đế chế Umayyad ở Syria, là cuộc xâm lược lớn nhất và để lại dấu ấn đậm nét nhất trong lịch sử Afghanistan. Người Ả Rập đưa Hồi giáo đến Afghanistan, tôn giáo sau này thống trị đất nước.
Theo The Diplomat, khi quân Mông Cổ đến Afghanistan và bao vây thung lũng Bamiyan vào năm 1221, họ phải đối mặt với sự kháng cự quyết liệt. Cháu trai của Thành Cát Tư Hãn cũng tử trận trong cuộc chiến này. Trong cơn giận dữ, người Mông Cổ giết hầu hết cư dân gốc của thung lũng. Điều này khiến hầu hết người Hazara hiện đại sống ở miền Trung Afghanistan đều là hậu duệ của các đồn binh Mông Cổ.
Nơi cường quốc sẩy chân
Vào thế kỷ 19, khu vực này trở thành điểm mấu chốt trong cuộc cạnh tranh giữa Đế quốc Anh và Đế quốc Nga để giành quyền kiểm soát Trung Á và Ấn Độ. Chiến tranh Afghanistan - Anh lần thứ nhất (1839-1842) bắt đầu khi các chỉ huy Anh cử một đội quân khổng lồ gồm quân Anh và Ấn Độ đến Afghanistan để phòng ngừa sự xâm nhập của Nga. Anh cũng thay thế vị tiểu vương cầm quyền bằng một người do Anh đào tạo, theo Foreign Affairs.
Trước sự kháng cự của người Afghanistan, đến tháng 1.1842, Đế quốc Anh buộc phải rút khỏi Kabul với một đoàn quân gồm 16.500 binh lính và dân thường. Họ tiến về phía đông để đến nơi đóng quân tại Jalalabad, cách đó 177 km. Chỉ có một người sống sót trong nhóm này an toàn đến được Jalalabad.
Học giả quá cố Louis Dupree, nhà sử học hàng đầu của Afghanistan, đã nêu ra bốn yếu tố góp phần gây nên thảm họa cho Đế quốc Anh. Các yếu tố đó là việc để quân đội nước ngoài chiếm đóng lãnh thổ Afghanistan, đưa một tiểu vương không được yêu thích lên ngai vàng, hành động thô bạo của những người Afghanistan được Anh hậu thuẫn trước những kẻ thù địa phương và giảm trợ cấp cho các thủ lĩnh bộ lạc. Tuy vậy, người Anh vẫn lặp lại những sai lầm này trong Chiến tranh Afghanistan - Anh lần thứ hai (1878-1881).
Trong Chiến tranh Afghanistan - Anh lần thứ ba năm 1919, Anh tiếp tục không thể khuất phục người dân Afghanistan. Cuối cùng, kiệt quệ vì Thế chiến I, Đế quốc Anh đã bỏ cuộc vào năm 1919 và trao độc lập cho Afghanistan.
Trong Thế chiến II, Afghanistan trở thành "Thụy Sĩ" của Trung Á và rơi vào trò chơi tranh giành ảnh hưởng giữa quân Đồng minh và phe Trục. Sau chiến tranh, đất nước này quay lại trạng thái bị giằng xé vì mâu thuẫn giữa các sắc tộc và bộ lạc.
|
Liên Xô là cường quốc tiếp theo sẩy chân ở Afghanistan. Sau thế chiến, Liên Xô đã thành công ổn định các nước Trung Á trực thuộc. Song, The New York Times nhận định Liên Xô đã sai khi cho rằng phương thức tương tự có thể áp dụng ở Afghanistan.
Năm 1979, Liên Xô đưa quân vào Afghanistan để cố gắng dập tắt nội chiến và ủng hộ chính phủ thân Liên Xô ở Kabul. Sau 10 năm gian khổ, Hồng quân không thể đánh bại các thế lực nổi dậy Hồi giáo Mujahideen do Mỹ bảo trợ trong khi nhà nước Liên Xô ngày càng suy yếu. Cuối cùng, Liên Xô phải rút lui vào năm 1989.
Các thế lực ở Afghanistan không đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực sau khi Liên Xô tan rã. Vào năm 1996, lực lượng Taliban trỗi dậy và thành công nắm quyền ở Afghanistan. Đến năm 2001, Mỹ bị tấn công khủng bố và bắt đầu cuộc chiến tranh vừa kết thúc ngày 15.8 ở Afghanistan.
Bình luận (0)