Để phát triển bền vững nền kinh tế, Việt Nam đã đưa ra chiến lược phát triển nền kinh tế xanh, được thể hiện rõ trong Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong thành công của Chiến lược này.
Thời gian qua, tín dụng xanh, ngân hàng xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng cũng như của các đối tác quốc tế. Để có thể đánh giá thực chất các cơ hội phát triển và các giải pháp thúc đẩy tín dụng xanh, tài chính xanh, ngân hàng xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam cần có sự phối hợp tích cực, hiệu quả giữa các bộ, các cơ quan quản lý của Việt Nam, trong đó việc phát triển thị trường vốn là cấu phần rất quan trọng, đặc biệt quan tâm đến các hạ tầng quan trọng như khuôn khổ pháp lý, cơ sở về xếp hạng tín nhiệm, những vấn đề trong việc phát triển thị trường vốn… nhằm giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế và tận dụng các cơ hội trong việc thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam.
Là ngân hàng thương mại dẫn đầu trong cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank nhận thức sâu sắc về những nguy cơ khi nền nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt thách thức từ biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, Agribank quyết tâm đi đầu thực hiện chỉ đạo của NHNN về thúc đẩy tín dụng xanh.
Trong những năm qua, Agribank đã ban hành một loạt văn bản về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Bên cạnh đó, Agribank đã tham gia nhiều dự án liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức tài chính tài trợ, như Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; Quản lý rủi ro thiên tai…
Từ năm 2016, Agribank triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch” với quy mô vốn không hạn chế, ban đầu là 50.000 tỉ đồng. Trên thực tế, từ nguồn vốn Agribank, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã và đang hình thành trên khắp mọi vùng, miền của đất nước, như mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), cá tra (An Giang), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hòa), ngô (Sơn La)… và các mô hình này đã tạo sự đồng thuận cao giữa doanh nghiệp và người dân.
Tiên phong cùng ngành ngân hàng thực hiện thành công các chiến lược quốc gia của Việt Nam về kinh tế xanh thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Agribank triển khai nhiều chương trình, hoạt động gắn với thông điệp “Vì tương lai xanh”, như phát động phong trào thi đua “Nói không với rác thải nhựa”, “Nói không với hút thuốc lá”, “Gìn giữ môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp”, “Chung tay làm sạch môi trường biển” tại 28 tỉnh/thành phố ven biển, tổ chức các roadshow đi xe đạp tại các thành phố lớn chuyển tải thông điệp “Cùng hành động giảm khí thải ra môi trường”…
Cùng với sự vào cuộc tích cực của hệ thống các tổ chức tín dụng, Agribank bằng những hành động cụ thể, thiết thực trong thời gian qua, đã và đang góp phần khơi dậy niềm tin trong cộng đồng vì một tương lai xanh, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về kinh tế xanh thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Bình luận (0)