AI đã trở thành chủ đề nóng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ) vào năm 2023 khi ChatGPT gây bão toàn cầu. AI tạo sinh đã khơi dậy các cuộc thảo luận về việc công nghệ này thay đổi cách mọi người làm việc nhờ khả năng viết tiểu luận, thơ, bài phát biểu... Kể từ đó, ứng dụng AI ngày càng phổ biến rộng rãi.
Dựa trên dữ liệu tại Mỹ, số lượng tin tuyển dụng nhân lực AI đã tăng trung bình từ 1,7% (năm 2021) lên 1,9% (năm 2022). Theo kết quả khảo sát nghiên cứu hằng năm của công ty tư vấn McKinsey, tỷ lệ các công ty ứng dụng AI vào năm 2022 tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2017, mặc dù tỷ lệ này đã ổn định trong những năm gần đây ở mức từ 50 - 60%.
Satya Nadella - CEO Microsoft cho biết đây là thời đại mà chuyên môn nằm trong tầm tay bạn, bất kỳ ai cũng có thể trở thành chuyên gia trong bất kỳ lĩnh vực nào khi có trợ lý AI hỗ trợ.
Theo báo cáo Artificial Intelligence Index Report 2023 do Viện AI của Đại học Stanford (Mỹ) công bố, nhu cầu kỹ năng về AI trong năm 2022 tăng gấp nhiều lần so với thời điểm 2010 - 2012, bao gồm các kỹ năng về ngôn ngữ lập trình như Python, SQL, khoa học máy tính, phân tích dữ liệu...
Báo cáo này cũng đưa ra một chỉ số gọi là "tỷ lệ thâm nhập kỹ năng AI". Chỉ số này cho thấy mức độ các quốc gia chuẩn bị lực lượng lao động cho nền kinh tế dựa trên AI. Tính đến năm 2022, ba quốc gia hoặc khu vực có tỷ lệ thâm nhập kỹ năng AI cao nhất là Ấn Độ, Mỹ và Đức. Ngoài Ấn Độ, ở khu vực châu Á còn có Hàn Quốc, Singapore cũng nằm trong top 10 quốc gia xếp hạng cao về tỷ lệ thâm nhập kỹ năng AI.
Trong bài đăng trên blog vào hôm 14.1, bà Kristalina Georgieva - người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết AI có thể tác động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu, do đó cần đảm bảo AI mang lại lợi ích cho nhân loại.
Khi AI tiếp tục được đón nhận rộng rãi hơn, công nghệ này có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực đến người lao động. Các nền kinh tế tiên tiến sẽ chịu nhiều ảnh hưởng hơn so với nền kinh tế mới nổi, một phần vì nhân viên văn phòng có nguy cơ bị AI "cướp việc" hơn người lao động chân tay.
Trích dẫn theo phân tích của IMF, khi ứng dụng AI thay thế con người hoàn thành công việc khiến nhu cầu lao động giảm đi, doanh nghiệp sẽ hạ mức lương và cắt giảm tuyển dụng. Trong những trường hợp cực đoan nhất, một số công việc hiện có sẽ biến mất.
AI ảnh hưởng đến việc làm ở các nước phát triển (60%), nhóm nền kinh tế mới nổi (40%) và nước nghèo (26%). Đối với các quốc gia không có cơ sở hạ tầng hoặc lực lượng lao động lành nghề để tận dụng lợi ích của AI, tình trạng bất bình đẳng sẽ càng trầm trọng hơn theo thời gian. Đây là một xu hướng đáng lo ngại mà các nhà hoạch định chính sách phải chủ động giải quyết để ngăn chặn công nghệ này gây thêm căng thẳng xã hội. Theo CNN, bà Kristalina Georgieva đã kêu gọi các chính phủ thiết lập mạng lưới an toàn xã hội và đưa ra chương trình đào tạo để chống lại tác động của AI.
Bên cạnh đó, người lao động trẻ tuổi sẽ giành lợi thế nhờ nắm bắt công nghệ để tăng năng suất trong khi những người lớn tuổi hơn dễ bị tụt lại. Theo ước tính của Goldman Sachs vào tháng 3.2023, việc ứng dụng AI có thể giúp tăng năng suất lao động và thúc đẩy GDP toàn cầu tăng 7% mỗi năm trong vòng 10 năm.
Bình luận (0)