Ai bảo vệ quyền lợi người lao động?

12/04/2021 04:34 GMT+7

Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội trong các doanh nghiệp phá sản, giải thể, mất tích, có chủ là người nước ngoài bỏ trốn đã tồn tại nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa có hướng xử lý triệt để.

Số liệu của Bảo hiểm xã hội TP.HCM công bố ngày 10.4 cho thấy số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) của 7.610 đơn vị bỏ trốn, mất tích, giải thể, phá sản lên tới hơn 456 tỉ đồng. Trước đó, BHXH Thanh Hóa cũng cho biết tính đến đầu tháng 4.2021, có tới 337 doanh nghiệp (DN) nợ khó thu (mất tích, phá sản, giải thể, ngừng hoạt động). Mặc dù cơ quan BHXH tỉnh này đã chuyển hồ sơ 19 DN sang cơ quan công an đề nghị xử lý hình sự nhưng tới nay vẫn chưa có đơn vị nào bị “sờ gáy”.
Điều đáng nói, không phải gần đây tình trạng này mới xuất hiện mà đã kéo dài từ nhiều năm nay. Quỹ BHXH thất thu, còn người lao động thì bị “treo” tiền bảo hiểm. Theo BHXH Việt Nam, nếu như năm 2018, tổng số nợ khó đòi do các DN mất tích, phá sản, giải thể là khoảng 2.000 tỉ đồng, thì đến năm 2019, con số này là 2.500 tỉ đồng. Dù chưa công bố số liệu thống kê sau dịch Covid-19, nhưng theo BHXH Việt Nam, tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) còn khá phổ biến.
Và cũng vì vướng mắc mà món nợ BHXH các DN “mất tích” để lại đã và đang khiến cho hàng trăm nghìn lao động lâm vào cảnh bế tắc. Quyền lợi của người lao động không được bảo đảm, nhiều người đã quá tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn chưa được hưởng chế độ do không có sổ BHXH, khi ốm đau không có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh, khi sinh nở không được hưởng chế độ thai sản, hoặc nghỉ việc nhưng không chốt được sổ BHXH…
Hàng loạt biện pháp được ngành BHXH đưa ra từ đôn đốc, nhắc nhở, đến xử lý hành chính, “dọa” khởi kiện ra tòa... nhưng xem ra vẫn chưa mang lại hiệu quả triệt để. Mới đây nhất, BHXH Việt Nam có kiến nghị với Bộ LĐ-TB-XH làm rõ hơn đối tượng trong quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân người đứng đầu hoặc người đại diện pháp nhân. Trong đó, ngoài phạt tiền đối với tổ chức vi phạm, phải phạt tiền đối với người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật của tổ chức đó ở mức độ phù hợp để gắn với trách nhiệm của cá nhân trong việc chấp hành pháp luật; đồng thời có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với cá nhân về tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT.
Hàng nghìn tỉ đồng tiền đóng BHXH là tiền mồ hôi, nước mắt của người lao động đang đứng trước nguy cơ bị “mất trắng”, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có giải pháp mạnh tay hơn trong vấn đề xử lý nợ đọng BHXH. Những DN cố tình chây ì, chiếm dụng tiền BHXH của người lao động cũng cần phải xử lý hình sự để làm gương.
Các cơ quan chức năng cũng cần rà soát các quy định pháp luật hiện hành về xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là quy định pháp luật về quy trình giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ DN bỏ trốn, phá sản. Những quy định chưa cụ thể, chồng chéo, còn khoảng trống cần nghiên cứu, bổ sung kịp thời.
Ngành BHXH đang đặt mục tiêu mở rộng và phát triển đối tượng BHXH, nhưng nếu không bảo vệ được quyền lợi cho người lao động, rất khó để họ đặt niềm tin, gắn bó lâu dài vào quỹ BHXH.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.