>> Biểu tình phản đối xóa tội cho cựu Tổng thống Ai Cập
|
Công tố viên Ai Cập đã kháng cáo bản án của phiên tòa ngày 29.11 đối với cựu Tổng thống Hosni Mubarak. Đồng thời viện dẫn những lỗ hổng trong quá trình tố tụng. Trước đó, tòa án đã đưa ra bản án mà theo các công tố viên là giảm bớt trách nhiệm đối với ông Mubarak.
Ông Mubarak năm nay 86 tuổi, bị tuyên án chung thân vào năm 2012 vì tội mưu hại 239 người trong cuộc biểu tình kéo dài 18 ngày. Khi đó những người biểu tình yêu cầu ông Mubarak từ chức sau 30 năm cầm quyền. Tuy nhiên, bản án đã bị đưa ra xem xét lại.
Trong phiên phúc thẩm vào ngày 29.11, tòa đã tuyên ông Mubarak trắng án, gây ra một cuộc phản đối mạnh mẽ tại Cairo, trong đó 2 người bị thiệt mạng. Thẩm phán của phiên tòa này cho biết không nên áp đặt những cáo buộc hình sự lên lãnh đạo cũ, theo Reuters.
“Một nghiên cứu cho thấy có những lỗ hổng trong quá trình tố tụng (trong phiên tòa ngày 29.11) làm ảnh hưởng đến bản án”, Reuters dẫn lời công tố viên Hesham Barakat. Kháng cáo là một phần không thể thiếu trong hoạt động tư pháp tại Ai Cập.
Tòa phúc thẩm sẽ phải quyết định hoặc chấp nhận kháng cáo và ra lệnh xử lại hoặc từ chối, theo đó tán thành quyết định giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với ông Mubarak. Nếu ông Mubarak bị xử lại, đây có thể là lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng theo luật pháp Ai Cập.
Biểu tình phản đối quyết định tuyên cựu Tổng thống Mubarak trắng án của toà - Ảnh: AFP |
Nhiều người Ai Cập từng sống dưới sự điều hành của ông Mubarak nhận định đây là một giai đoạn chuyên quyền và thân tư bản. Ông Mubarak bị lật đổ trong cuộc đảo chính và người cầm quyền sau đó Mohamed Morsi cũng đã bị tướng quân đội Abdel al-Sisi lật đổ năm 2013.
Sisi là người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5. Trước đó, ông Sisi đã khởi động cuộc đàn áp ông Morsi và phong trào Anh em Hồi Giáo. Giới chức đã giam giữ hàng ngàn người ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo và tuyên án tử hình đối với hàng trăm người trong nhiều phiên xét xử bị thế giới chỉ trích, theo Reuters.
Ngược lại, những gương mặt trong chính quyền của ông Mubarak dần được phóng thích. Cùng với đó, hàng loạt các đạo luật giảm bớt các quyền tự do chính trị được đưa ra, làm tăng sợ hãi trong lòng những nhà hoạt động mà các lãnh đạo cũ đang tìm cách gây ảnh hưởng.
Ít nhất 2 người thiệt mạng và 9 người khác bị thương vào ngày 29.11 khi lực lượng an ninh xịt hơi cay và bắn đạn ghém nhằm giải tán khoảng 1.000 người biểu tình đang cố tiến vào quảng trường Tahrir, từng là trung tâm của cuộc nổi dậy lật đổ ông Mubarak, nhằm phản đối phán quyết xử trắng án đối với vị cựu lãnh đạo.
Bảo Vinh
Bình luận (0)