Động thái này làm nổi bật căng thẳng ngày càng gia tăng giữa hai nước láng giềng, trong bối cảnh hoạt động quân sự của Israel tại Rafah, đô thị ở phía nam Dải Gaza và giáp với Ai Cập, đang thử thách các thỏa thuận dài hạn cũng như hợp tác an ninh, theo Reuters.
"Thông báo về việc can thiệp vào vụ kiện này được đưa ra trong bối cảnh có sự mở rộng về phạm vi và quy mô các hành vi vi phạm của Israel gây tổn hại cho dân thường ở Gaza", Bộ Ngoại giao Ai Cập cho hay, nhưng không nêu rõ hành động can thiệp bao gồm những gì. Cairo từng đưa ra lập luận của mình trong vụ kiện này.
Israel điều xe tăng tới Jabalia, gây áp lực lên Rafah
Nam Phi hôm 10.5 đã yêu cầu ICJ ra lệnh cho Israel rút khỏi Rafah như một phần của các biện pháp khẩn cấp mới, trong lúc tòa án xem xét vụ kiện xoay quanh cáo buộc Israel có hành vi diệt chủng tại Gaza. Israel bác bỏ cáo buộc này.
Theo các nguồn tin an ninh Ai Cập, giới chức nước này đã nói với phía Israel rằng hành động của Israel là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng trong quan hệ song phương và khiến các cuộc đàm phán ngừng bắn được tổ chức tại Cairo rơi vào bế tắc.
Hamas, lực lượng đang chiến đấu với Israel ở Gaza, đã hoan nghênh động thái mới nhất của Ai Cập. "Chúng tôi đánh giá cao thông báo của Cộng hòa Ả Rập Ai Cập về ý định tham gia vụ kiện do Cộng hòa Nam Phi đệ trình", Hamas cho biết trong một tuyên bố hôm 12.5.
Hồi tháng 12.2023, Nam Phi đã khởi động vụ kiện chống lại Israel tại ICJ, kêu gọi tòa án Liên Hợp Quốc ra lệnh cho Israel chấm dứt chiến dịch quân sự ở Gaza. Trong văn bản gửi cho ICJ hôm 10.5, Pretoria một lần nữa cáo buộc Israel "tiếp tục vi phạm Công ước về hành vi diệt chủng" và "coi thường" luật pháp quốc tế, theo AFP.
Israel hôm 6.5 đã triển khai bộ binh và xe tăng ở khu vực phía đông Rafah, sau đó chiếm giữ và đóng cửa phần nằm bên phía Gaza của cửa khẩu Rafah thông với Ai Cập.
Ai Cập là quốc gia Ả Rập đầu tiên ký hiệp ước hòa bình với Israel vào năm 1979 và đóng vai trò là trung gian hòa giải chính giữa các nhà đàm phán Israel và Palestine, kể cả trong cuộc chiến hiện nay.
AI Cập cũng có quốc gia duy nhất ngoài Israel có biên giới trên bộ với Gaza, nhưng đã từ chối điều phối việc tiếp cận viện trợ qua cửa khẩu Rafah kể từ khi lực lượng Israel chiếm cửa khẩu này ở phía Gaza.
Điểm xung đột: Mỹ có đề nghị giá trị cho Israel; lính Ukraine chê xe tăng Abrams?
Khi được hỏi về hiệp ước năm 1979 với Israel giữa những diễn biến ở Rafah, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry hôm 12.5 nhấn mạnh rằng thỏa thuận này cần thiết để đảm bảo an ninh và có cơ chế xử lý mọi vi phạm, song ông không nói cụ thể hơn.
Bình luận (0)