Cũng chẳng thấy đơn vị nào đưa ra giải pháp.
Điều mà chúng ta được nghe nhiều nhất là khuyến cáo ra sân bay sớm hơn 2, thậm chí 3 giờ đồng hồ, và chủ động khai báo y tế để đừng lỡ chuyến bay từ các hãng hàng không. Các hãng này cũng chủ động bố trí thêm người đi tìm khách ở sân bay để hỗ trợ kịp thời.
Còn khâu soi chiếu bị tắc, ngoài việc đổ lỗi cho hạ tầng, đổ lỗi cho hành khách quá đông thì như thường lệ... mặc kệ. Những góp ý về thái độ làm việc đủng đỉnh, cửa quyền của nhân viên soi chiếu; cổng an ninh chưa mở hết công suất... có hay không, đúng hay sai, không thấy ai nói gì.
Trộm nghĩ đến hầu hết các ngành nghề lĩnh vực khác đang cạnh tranh, giành giật từng người khách mới thấy, kinh doanh dịch vụ soi chiếu ở sân bay quả là sướng. Tổng công ty Cảng hàng không (ACV), đơn vị trực tiếp quản lý và khai thác toàn bộ sân bay dân dụng tại Việt Nam nên muốn đi máy bay khách hàng phải chấp nhận hết, không có sự lựa chọn. Chứ chẳng phải như đi xe đò, hãng này dịch vụ không tốt thì chọn hãng khác; hãng hàng không này không ưa thì chuyển sang hãng khác.
Còn trên thị trường thì khỏi nói, hầu hết các lĩnh vực ngành nghề, lỡ chẳng may làm một vài “thượng đế” không hài lòng thì cuống cuồng lo tìm cách giải quyết. Kinh doanh mà có sự cố khiến cả ngàn khách hàng bị "đày ải" như thế này thì xin lỗi, doanh nghiệp chỉ còn cách đóng cửa chứ đừng nói đến chuyện nhận trách nhiệm hay rút kinh nghiệm.
Nhìn hệ quả của dịch vụ độc quyền ở sân bay lại nhớ đến đề xuất kỳ lạ của Bộ GTVT và Cục Hàng không hồi đầu năm 2020 khi lấy ý kiến các bộ, ngành về “định hướng xã hội hóa đầu tư xây dựng cảng hàng không”. Mặc dù mục tiêu là “xã hội hóa đầu tư xây dựng cảng hàng không” song Bộ GTVT đề xuất chỉ xã hội hóa ở 3 sân bay nhỏ mà Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chưa lập kế hoạch đầu tư gồm Sa Pa, Lai Châu, Quảng Trị. Còn 22 sân bay đang được ACV quản lý khai thác và Cảng hàng không quốc tế Long Thành thì... không xã hội hóa.
Thời điểm đó, Bộ Tư pháp không đồng ý với đề xuất này và đã có những phân tích rất cụ thể về chủ trương huy động mọi nguồn lực của xã hội vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; để dành vốn nhà nước tập trung đầu tư vào các công trình thiết yếu, quan trọng. Bộ này cũng yêu cầu đánh giá tổng thể về năng lực và hiệu quả quản lý của ACV đối với 22 cảng hàng không (trừ Cảng hàng không Long Thành đang trình Quốc hội cho ý kiến) để làm cơ sở xem xét...
Chưa cần nói đến các công việc “cao siêu”, chỉ riêng khâu thủ tục soi chiếu hết ùn lại tắc khi chưa vào dịp cao điểm lễ, hè, tết như nói trên có lẽ chúng ta đã có câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi về "năng lực và hiệu quả" của ACV.
Nhưng không thể bắt người dân đợi hơn nữa. Với hơn 94% vốn nhà nước, nếu ACV “phớt lờ” khách hàng thì Cục Hàng không và cao hơn là Bộ GTVT phải vào cuộc và có câu trả lời về trách nhiệm và giải pháp cho vấn đề này.
Chúng ta không thể nói đến chuyện mở cửa bầu trời trong khi dưới đất lại ùn tắc kinh hoàng như thế này.
Bình luận (0)