Ai chịu trách nhiệm khi cây xanh ngã đè người tử vong ?

26/09/2020 06:47 GMT+7

Nhiều ý kiến bức xúc trước tình trạng cây xanh gãy đổ đè chết người đi đường, tuy nhiên trách nhiệm của các đơn vị liên quan thì lại không rõ ràng.

Như Thanh Niên thông tin, mặc dù được các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tập trung cứu chữa nhưng do đa chấn thương nặng nên anh B.M.G (35 tuổi), nạn nhân bị cây dầu bật gốc đè đã không qua khỏi.

Trong cơn mưa lớn, cây dầu bật gốc đè người đi đường

Trước đó, sau trận mưa kèm giông vào chiều 24.9, một cây dầu có đường kính 1 m, cao khoảng 30 m trên đường Nguyễn Tri Phương (P.5, Q.10, TP.HCM) bật gốc đè trúng anh B.M.G đang đi trên đường. Nạn nhân nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Theo đánh giá của bác sĩ CK2 Phan Trung Trực, Khoa Chấn thương chỉnh hình, bệnh nhân bị chấn thương nặng, gãy hở 1/3 xương quai vai bên phải, dập nát phần mềm cẳng tay phải. Bên trái bị gãy hở dưới hai xương cẳng tay và dập nát phần mềm... Kết quả CT Scanner cho thấy bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng (tụ máu ngoài màng cứng thái dương phải - 1 cm, xuất huyết não, tụ khí nội sọ).

* Phải quy hoạch lại cây xanh trong TP. Diện tích đất trên phố hiện giờ không đủ để cho cây to cao phát triển, vì vậy nên "thanh lý" và thay thế bằng những cây nhỏ phù hợp hơn. 

Minh Trực

Nhiều cái chết oan ức

Rất nhiều bạn đọc (BĐ) bức xúc cho rằng năm nào cũng mưa lớn, cây đổ đè chết hoặc bị thương người và của xảy ra trên cả nước, nhưng cơ quan chức năng không có một giải pháp hữu hiệu nào để chấm dứt tình trạng này. “Tại sao năm nào cũng xảy ra những câu chuyện đau lòng này mà các đơn vị liên quan không có một giải pháp để xử lý triệt để vấn đề này? Ai sẽ chịu trách nhiệm khi cây xanh ngã đè người tử vong? Quá đau lòng!”, BĐ Anh Vũ bức xúc.

* Phải quy trách nhiệm cho đơn vị quản lý, chứ không thể bất cứ vụ tai nạn do cây xanh đổ gãy đều xem là trường hợp bất khả kháng. 

Nguyễn Huy

“Đã có rất nhiều người thiệt mạng oan ức vì những cây xanh gãy đổ nhưng chưa thấy cá nhân, đơn vị nào chịu trách nhiệm. Trước mắt theo tôi cần thay thế gấp những cây xanh đã già cỗi trong toàn TP”, ĐB Tú Ngô đề nghị.
Trong khi đó, BĐ Lê Hiển ý kiến: “Quá nhiều cái chết thương tâm do bị cây ngã đè khi đi trên đường rồi. Nên chăng nghiên cứu trồng những loại cây thân nhỏ ở các khu vực đô thị đông đúc, còn những cây cổ thụ cao to thì nên trồng ở các khu công viên có quy hoạch”.
“Các hàng cây cổ thụ đa số trồng ở lề đường mà phía dưới là cống thì đất đâu để rễ bám. Vì vậy, khi cây to đường kính càng rộng và chiều dài càng cao gặp mưa gió là trốc gốc thôi. Biết bao người thiệt mạng oan ức mà có ông nào chịu trách nhiệm đâu”, BĐ Hoàng Thục Vũ ý kiến.

Đừng dựa vào "bất khả kháng" để lờ đi trách nhiệm

Rất nhiều BĐ bức xúc, đặt câu hỏi “ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong những vụ việc như thế này?”. “Năm nào cũng nghe những tin không vui cây gãy đổ đè chết người. Trách nhiệm của đơn vị quản lý cây xanh trong những vụ việc như thế này ra sao?”, BĐ Nguyệt Anh ý kiến.

* Quá trình đô thị hóa, làm đường, sửa cống, vỉa hè đã làm tiêu bộ rễ của nhiều cây xanh. Tình trạng này khá phổ biến. Đề nghị đơn vị quản lý cây xanh nhanh chóng kiểm tra và thay thế gấp. 

Trúc Linh

Trong khi đó, BĐ John Shino thẳng thắn: “Công ty công viên cây xanh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những vụ cây bật gốc như thế này”.
“Rất nhiều trường hợp cây xanh gãy, đổ... gây thiệt hại về nhân mạng, tài sản của người dân. Tuy nhiên, việc bồi thường và trách nhiệm của các bên liên quan thường không được truy đến tận cùng vì đa số đều dựa vào lý do “đây là sự kiện bất khả kháng”. Theo tôi, các vụ việc như thế này cần phải điều tra xử lý một cách thấu đáo, không thể bất cứ vụ tai nạn do cây xanh đổ gãy cứ mặc nhiên đều xem là trường hợp bất khả kháng để lờ đi trách nhiệm của mình”, BĐ Thành Long ý kiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.