'Ai có đề nghị giúp đỡ gì thì từ chối giùm anh!'

25/04/2016 09:34 GMT+7

Lần đầu tiên tôi gặp nhân vật để viết bài mà khi chia tay, nhân vật dặn đi dặn lại một câu: “Bài có đăng, ai có đề nghị giúp đỡ gì thì từ chối giùm cho anh!”

Lần đầu tiên tôi gặp nhân vật để viết bài mà khi chia tay, nhân vật dặn đi dặn lại một câu: “Bài có đăng, ai có đề nghị giúp đỡ gì thì từ chối giùm cho anh!”. Dù gia đình anh đang thuộc hộ nghèo, con gái anh bị câm điếc. Dù câu chuyện của cha con anh, tôi biết chỉ cần viết lên, rất nhiều người cảm phục và muốn chìa tay giúp đỡ.
Cha con anh Khương luôn sát cánh bên nhau
Tôi biết được câu chuyện của cha con anh Trần Khương qua một người bạn. Sau đó, lên facebook của anh để đọc những dòng nhật ký lay động lòng người anh viết về hành trình 18 năm trời anh và con đã đi qua. Câu chuyện đó đủ để làm xúc động bất kỳ người nào biết đến.
Anh sinh con gái, đặt tên con là Khả Ái, với hi vọng thiên thần của mình sẽ rất xinh đẹp, sẽ có những bước nhảy ballet trên sân khấu. Nhưng khi con 2 tuổi, vợ chồng anh phát hiện con bị câm điếc. Anh và vợ ôm nhau khóc. Rồi anh gạt nước mắt, quyết tâm giúp con có một cuộc sống hòa nhập bình thường. Vợ chồng anh bán xe máy, vay mượn thêm được 5 cây vàng để mua máy trợ thính cho con nghe được 30%. Rồi thay phiên nhau tập nói cho con bằng cách dạy đi dạy lại một chữ hàng chục lần chủ yếu bằng khẩu hình miệng.
Chờ con mỗi buổi tan trường
Hàng chục năm trời, anh đứng ngoài cửa lớp, nghe cô giáo giảng bài để về dạy cho con. Vì với nỗ lực của một mình bé, vẫn không đủ tiếp thu chỉ với thời gian trên lớp. Và cách dạy của anh thì phải “muôn hình vạn trạng”. Anh lấy cọng kẽm, mài cho đến mòn vẹt chỉ để chứng minh cho câu tục ngữ “có công mài sắt có ngày nên kim”. Vợ chồng anh còn đóng vai để diễn lại các câu chuyện cổ tích con học trên lớp.
Nhưng điều làm tôi bất ngờ nhất là cuối buổi nói chuyện trước cổng trường con anh học, anh bỗng tâm sự rằng bao nhiêu năm qua, gia đình anh vẫn thuộc hộ nghèo của phường. Nhưng anh lên tiếng trên facebook cá nhân với mong muốn được dư luận ủng hộ, thay đổi quy định đánh giá khuyết tật đối với người điếc câm bất cập hiện nay. Họ đã phải nỗ lực hết sức mình để hòa nhập xã hội nhưng đa số vẫn không được xếp vào dạng khuyết tật nặng như vốn dĩ phải thế. Vì vậy, hãy từ chối giùm anh nếu có ai muốn giúp đỡ cha con anh. Hãy giúp một tay cho cả cộng đồng này.
Đúng như dự đoán, bài báo đăng lên, tôi nhận được rất nhiều lời đề nghị giúp đỡ cha con anh. Người muốn ủng hộ vật chất, người muốn giúp Ái vào học đại học, theo đúng mơ ước thiết kế thời trang của em. Một lần nữa, anh Khương từ chối, với một lý do đơn giản: “Xin cám ơn những tình cảm của mọi người. Nhưng lòng tự trọng của một người cha không cho phép tôi làm điều đó!”.
Cha con anh Khương đang thực hiện một hành trình đầy nghị lực, bản lĩnh và lòng tự trọng
Tôi hiểu câu nói của anh. Trong hành trình của mình, lòng tự trọng là thứ giúp cha con anh luôn kiên cường và đứng thẳng. Anh từ chối những ngỏ ý muốn giúp đỡ con về điểm số của vài thầy cô quá thương Khả Ái. Anh để vợ nghỉ làm để ở nhà toàn tâm toàn ý chăm sóc con, dù gánh nặng gia đình đè lên vai anh sẽ lớn hơn. Và chính Khả Ái cũng quyết tâm đi thi bằng chính sức lực của mình để đạt được ước mơ chứ không muốn được đặc cách vào trường đại học. Vì chỉ cần một lần đặc cách thôi, hành trình nỗ lực tuyệt vời đi đến ước mơ trước đó của cha con em sẽ trở thành vô nghĩa.
Mong nhật ký của anh sẽ còn được viết tiếp dài hơn, dài hơn nữa. Chỉ với những dòng chữ mang niềm vui lấp lánh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.