Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Công nghệ, bản sắc văn hóa và tư duy sáng tạo trong nghiên cứu, thực hành, giảng dạy mỹ thuật và thiết kế" do Trường ĐH Tôn Đức Thắng tổ chức hôm 1.11, đã đưa ra vấn đề "nóng" như: Công nghệ và sự biến đổi trong thực hành mỹ thuật, thiết kế. Trong đó vấn đề sáng tạo, thiết kế mỹ thuật ứng dụng trong bối cảnh AI có thể hỗ trợ hoặc thay thế con người được chú ý. Câu hỏi đặt ra: "AI đang phát triển mạnh mẽ và có thể thay thế con người trong một số công việc như hội họa, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang… Vậy người trẻ cần làm gì để làm chủ AI, tránh nguy cơ mất việc?".
Đang là sinh viên năm 1 ngành thiết kế đồ họa Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trần Lê Bảo Ngọc bày tỏ lo ngại AI học tập con người với tốc độ quá nhanh: "Sự sáng tạo của chính mình sẽ bị AI học hỏi. Tuy nhiên AI chỉ đang học hỏi và tổng hợp nguồn thông tin từ con người chứ chưa thể sáng tạo ra cái mới. Mình mong muốn học được kỹ năng làm chủ AI trong tương lai".
Trả lời về vấn đề này, nhà thiết kế - kiến trúc sư Naomi Thủy Nguyễn, người sáng lập YC Interior & Consultant Design, cho biết: "Đến khi nào trên trái đất này toàn bộ con người được sinh bằng hình thức thụ tinh nhân tạo thì mới là AI. Bản thân con người đã có trí tuệ, công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ chúng ta phát triển...".
Nhà thiết kế - kiến trúc sư Naomi Thủy Nguyễn nói thêm: "Con người phải có trí tuệ thì mới khai thác được hết công nghệ, và công nghệ sẽ làm con người thăng hoa, phát triển. Quan trọng là con người phải đối diện, xử lý… không nên sợ, vì dễ làm nhụt chí, bạn trẻ hãy kiên cường. Không có gì phải sợ, công nghệ phát triển thì cũng cần phải có con người trong đó".
Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn, Chủ nhiệm bộ môn thiết kế đồ họa và kỹ thuật số, Greenwich Việt Nam - cơ sở TP.HCM, cho biết ngày xưa khi nhắc về hội họa, nghệ thuật… người ta hay nói đến tài năng của con người. Nhưng từ khi AI xuất hiện, nó đã có thể mô phỏng, thực hiện những bức tranh, bản vẽ. Ví dụ một người phải mất 4 năm để học vẽ được một bức tranh thì giờ chỉ cần vài thao tác, vài giây, AI đã làm được.
Theo tiến sĩ Sơn, chúng ta đang sống trong giai đoạn mà AI phát triển, đây là cuộc cách mạng. Dù muốn hay không, chúng ta cũng phải đối diện và ngành thiết kế, nghệ thuật phải biến đổi để phù hợp với tình hình thực tế. "Cách đây 10 năm, các nhà khoa học từng khẳng định máy không thể thay thế con người. Còn bây giờ chúng tôi không dám trả lời câu hỏi đó… Máy đã có thể tự học, kết nối với big data (dữ liệu lớn). Chúng ta, những con người đương thời đang hưởng thành tựu khoa học công nghệ, thì cần phải làm sao giữ được bản sắc...", tiến sĩ Sơn chia sẻ.
GS-TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, nhấn mạnh: "AI không thể thay thế con người được, vì con người có trái tim, cái riêng… Trong thiết kế mỹ thuật cần giữ đặc trưng dân tộc và cái riêng của người thiết kế". GS Tiên cho biết thêm, nếu cá nhân không có tài năng, tư duy sáng tạo và chất riêng thì sẽ bị đào thải trong xã hội mà AI phát triển.
Tiến sĩ Đào Mạnh Đạt, giảng viên Trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật, ĐH Quốc gia Hà Nội, đưa ra quan điểm: "Sáng tạo có mặt tích cực, tiêu cực. Có những thành tố sáng tạo đi ngược lại lợi ích cộng đồng sẽ rất nguy hiểm… Về sự phát triển của AI, chúng ta sẽ không thể kiểm soát được".
"Việc AI lấy đi công việc của ai đó là chuyện bình thường, các trường phải thay đổi chương trình đào tạo để phù hợp với tiến bộ xã hội. Việc này đòi hỏi chúng ta phải sáng tạo trong sự kiểm soát. Kiểm soát những cái tiêu cực và ngược lại. Để AI phục vụ con người, tạo cơ hội mới, buộc chúng ta liên tục cập nhật", tiến sĩ Đạt chia sẻ.
Tiến sĩ Đạt cho biết ngành đồ họa áp dụng AI tích cực vào giảng dạy, tạo ra một thế hệ nhà thiết kế mới. "Chúng ta chỉ nên sử dụng AI làm công cụ, không nên phụ thuộc", tiến sĩ Đạt nói.
Bình luận (0)