Ai cứu cá tra dầu 'khủng' quý hiếm trên sông Cửu Long?

22/03/2018 14:30 GMT+7

Là niềm kiêu hãnh của các dòng sông, có tên trong Sách đỏ Việt Nam thế nhưng những con cá khổng lồ trứ danh như cá tra dầu đã và đang được mua bán công khai như bán rau củ.

Thương hiệu cá khổng lồ

Mới đây cư dân mạng bày tỏ ý kiến trái chiều liên quan đến hai con cá tra dầu bị xẻ thịt trong nhà hàng lớn ở Hà Nội, TP.HCM. Nhiều người cho rằng cá tra dầu là loài quý hiếm sao không được bảo vệ mà xẻ thịt rao bán công khai, người nước ngoài khi thấy cá có tên trong Sách đỏ sẽ đánh giá như thế nào, tại sao con cá lớn hàng trăm ký lại vận chuyển quá dễ dàng mà không bị phát hiện xử lý…

Thực tế, những năm gần đây ở miền tây nam bộ, những loài cá khổng lồ trên sông Cửu Long như cá hô, cá đuối, cá tra dầu nặng hàng trăm ký luôn là mặt hàng '''nóng'' được các lái cá, các nhà hàng săn lùng. Cho dù giá cá đắt đỏ, một ký từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng nhưng người ta không ngại tốn kém tìm đến ăn cá khổng lồ để được một lần nếm mùi vị lạ trong đời. Mới đây nhất, nhà hàng H.B ở tỉnh An Giang đã bán cá tra dầu nặng 160kg với giá hơn 800.000 đồng/kg. Nhiều người đã tìm đến vừa ăn tại chỗ cho biết mùi vị lạ như thế nào vừa mua về làm quà tặng. Trước đó, nhà hàng này cũng bán thịt con cá tra dầu nặng 100kg và cũng được nhiều người quan tâm dù khi đó giá cá gần 1 triệu đồng/kg.

Cá tra dầu nặng trên 150kg bị xẻ thịt ở Long Xuyên Ảnh: Thanh Dũng

Đầu năm 2017, nhà hàng H.L (TP.Long Xuyên, An Giang) đã cân mua con con cá tra dầu nặng 230kg với chiều dài từ đầu đến đuôi hơn 2m. Con cá to như chiếc xuồng nên nhiều nhân viên trong nhà hàng xúm lại mới khiêng nổi đưa vào phòng chế biến và đã bán thịt cá với giá từ 900.000 - 1,2 triệu đồng/kg. Nhà hàng này cũng từng mua con cá tra dầu khủng nặng trên 160kg và bán giá đắt đỏ nhưng vẫn lắm người đến mua.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2008 đến nay các loại cá khổng lồ liên tục bị sa lưới trên sông Cửu Long. Cụ thể, vào tháng 9.2016, một lái cá ở TP.Long Xuyên cân mua cá tra dầu nặng trên 200kg sau đó cá được nhà hàng ở Sài Gòn tức tốc mua về; năm 2012 ngư dân H.An Phú (An Giang) thả lưới trên sông Bình Di lần lượt bắt được 2 con cá tra dầu cân nặng mỗi con trên 70kg; năm 2013, ngư dân H.Hồng Ngự (Đồng Tháp) bắt trên sông Sở Thượng cá tra dầu nặng trên 130kg…

Cấm nhưng vẫn khai thác, mua bán công khai

Trong vòng 4 năm trở lại đây, trên mạng xã hội thường xuyên xuất hiện các thông tin cá tra dầu khủng sắp về các nhà hàng lớn ở Đà Nẵng, Nghệ An, TP.HCM… Việc mua bán loài cá này gây ngạc nhiên và bức xúc vì chúng có tên trong Sách đỏ. Nhiều người thắc mắc đó là loài cá quý hiếm nhưng tại sao việc rao bán ở các nhà hàng lại công khai như bán rau vậy. Một cán bộ công tác tại Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (H.Cái Bè, Tiền Giang) thắc mắc khi các loài thú quý hiếm như rắn hổ chúa, cọp, gấu… mua bán hay vận chuyển trái phép khi bị phát hiện đều bị ngành chức năng tịch thu, xử phạt nhưng sao loài cá như tra dầu, cá hô, trà sóc… rao bán công khai không thấy ai xử phạt hay nhắc nhở.

Thạc sĩ Huỳnh Quang Thiện, chuyên gia ngư loại học - Viện Sinh thái học miền Nam, cho rằng vấn đề các loài cá quý hiếm cần được bảo vệ đúng là hiện nay đang cấp bách. Các nhà khoa học và người yêu chuộng thiên nhiên đều bất bình vì chuyện khai thác mua bán công khai những loài cá quý hiếm này. Theo thạc sĩ Thiện, cá tra dầu và cá hô đang cực kỳ nguy cấp, cần nghiêm cấm đánh bắt và bảo vệ tối đa. Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) quy định rất nghiêm ngặt về việc đánh bắt, buôn bán các loại cá đang đứng trước tình trạng tuyệt chủng.

Loài cá tra dầu có tên trong Sách đỏ nhưng khi dính lưới chỉ có... chết Ảnh: Thanh Dũng

Trước đây, khi trao đổi vấn đề này, ông Lê Hoàng Vũ, Chi cục Trưởng chi cục thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho biết lâu lâu hay tin có ngư dân bắt cá khổng lồ nhưng khi đến nơi thì người ta đã xẻ thịt xong rồi đem bán nên rất khó xử. Còn ông Trần Phùng Hoàn Tuấn, Chi cục Trưởng chi cục thủy sản tỉnh An Giang khẳng định cá tra dầu, cá hô bị cấm mua bán, khai thác dưới mọi hình thức, nên chuyện đánh bắt và tiêu thụ là làm lậu, cơ quan chức năng phát hiện sẽ tới lập biên bản ngay chứ không có cho kinh doanh cá. Theo ông Tuấn, năm 2017 ngư dân có bắt được cá tra dầu, năm 2018 ngư dân An Giang chưa bắt được cá tra dầu và chi cục cũng rất "siết" việc đánh bắt loài cá khổng lồ này.

Theo Chi cục thủy sản tỉnh An Giang, văn bản hợp nhất số 06/VBHN-BNNPTNT ngày 27.4.2015 công bố "Danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có tên trong Sách đỏ có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển" có cá tra dầu, cá trà sóc, cá hô... Điều 7, nghị định 103/2013/ND-CP, nghị định 41/2017/ND-CP có quy định mức phạt đối với hành vi khai thác, mua bán, thu gom, nuôi, lưu giữ, sơ chế, chế biến, vận chuyển các loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng có khối lượng thủy sản từ 30kg trở lên bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Tuấn việc mua bán này rất khó ngăn chặn, xử lý do ngư dân sống bằng nghề lưới và khi thả lưới, họ vô tình đánh bắt được chúng nên ngành thủy sản chỉ tuyên truyền cho ngư dân là chính.

Theo ghi nhận, cho đến nay, Chi cục thủy sản tỉnh An Giang, Đồng Tháp vẫn chưa xử lý trường hợp nào mua bán cá tra dầu, cá hô. Còn vị cán bộ của Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ đặt vấn đề: “Cá là loài sống dưới nước nên tịch thu rồi để cá ở đâu? Chưa kể tịch thu khi cá còn sống nhưng sau đó cá chết ai sẽ chịu trách nhiệm, vì lẽ đó nên cán bộ thủy sản còn ngại chăng?”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.