Ai đã giết Binh bộ Thượng thư triều Tây Sơn Ngô Thời Nhiệm?

07/01/2021 11:06 GMT+7

Ngô Thì Nhậm (hay Ngô Thời Nhiệm, 1746 - 1803) là vị Binh bộ Thượng thư có công lớn giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh. Ông rất thông minh với câu đối ứng nổi tiếng: “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế”.

Hiện nay, tại nước ta có nhiều ngôi trường, con đường mang tên danh nhân Ngô Thời Nhiệm. Tuy nhiên cái chết của vị Binh bộ Thượng thư triều Tây Sơn vẫn còn là ẩn số. Mới đây cuốn sách Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của triều Nguyễn (Khai Tâm và NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành) đã hé lộ nhiều phát hiện thú vị.

Ngô Thời Nhiệm là người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn và vua Quang Trung (ảnh) đánh lui quân Thanh

Ảnh: T.L

Nhà nghiên cứu, giáo sư Nguyễn Quốc Trị - tác giả cuốn sách, cho biết: “Năm 1811, Binh bộ Thượng thư Đặng Trần Thường bị xử trảm giam hậu vì tội thông đồng với Tham tri bộ Lễ là Nguyễn Gia Cát mạo cấp sắc phong phúc thần cho 560 nhân vật không xứng đáng như “ông cha và bố mẹ vợ” của viên chức phụ trách duyệt và soạn sắc, hay người mà họ Đặng che chở là cố Tướng Trịnh Hoàng Ngũ Phúc - trước kia đã vào đánh chiếm Phú Xuân đuổi Chúa Nguyễn vào Nam. Thay vì hủy bỏ sắc phong Tướng Phúc làm thần của thời Chúa Trịnh, các ông lại tặng cho chức cao hơn nữa là Thanh danh văn võ thánh thần đại vương”.
Đến khi xét danh sách thu thẩm (duyệt lại các trọng án vào mùa thu), vua Gia Long đã tha tội chết cho Đặng Trần Thường và Nguyễn Gia Cát... vì “nghĩ thương bọn Đặng Trần Thường có công tha cho. Xóa tên trong quan tịch, cho ở Kinh”. Đây là một sự khoan hồng lớn vì “ăn trộm và làm giả ấn dấu của vua” thuộc vào “tội đại bất kính”, là một trong 10 tội nặng nhất gọi là “thập ác” khi ấy.
Tới năm 1816, họ Đặng lại bị hạ ngục vì tiếp tục bị phát giác thêm vụ trước kia khi ông làm quan ở Bắc Thành đã làm “nhiều việc trái phép, như ức chiếm đầm ao, ẩn giấu thuế lệ đinh điền”, đến mức phải xử tử.

Ngô Thời Nhiệm xuất thân gia đình vọng tộc chốn Bắc Hà, là con ông Ngô Thì Sĩ - người làng Tả Thanh Oai (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội)

Ảnh: T.L

Về nghi vấn ông Đặng Trần Thường giết chết Ngô Thì Nhậm (Ngô Thời Nhiệm), một người bạn cũ mà ông thù ghét muốn tru diệt vì đã khinh miệt mình khi làm quan lớn cho Tây Sơn, được thuật lại chi tiết trong sách Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của triều Nguyễn. Theo đó, ông Ngô Thời Nhiệm cùng hai ông Phan Huy Ích và Nguyễn Gia Phan là 3 cựu thần nhà Lê làm Thượng thư triều Tây Sơn, đã đầu thú đúng hạn và được vua Gia Long xá tội, cho giải về kinh để dùng lại. Nhưng được sớ của ông Đặng Trần Thường, lúc đó làm Binh bộ Thượng thư ở Bắc Thành, kể tội và đòi phải giết họ, vua cho đóng gông giải 3 ông này ra Thăng Long để nghị tội.
Các quan ở đây “bàn cho là tội bọn Nhậm đáng phải giết, nhưng đã có chiếu nói rõ ngụy quan ra thú thì đều miễn tội, vậy xin tha bọn Nhậm tội chết, chỉ đánh để làm nhục. Vua y cho. Hạ lệnh kể tội ở học đường phủ Phụng Thiên (tức Quốc Tử giám nhà Lê cũ) mà đánh đau”. Trong Liệt truyện có nói rõ thêm là ông Ngô Thì Nhậm (Ngô Thời Nhiệm) bị đánh đến chết chính là do lệnh của Đặng Trần Thường, rằng: “Khi ấy bị phạt đánh roi có 3 người, riêng độc mình Nhậm bị đau quá, chết, đó là Thường giận bảo vậy”.
Tương truyền rằng Đặng Trần Thường có ra cho Nhậm câu đối là: “Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai” (vế đối hiểm hóc vì có 5 chữ ai và có chữ trần là tên đệm của Đặng Trần Thường). Ngay sau đó được ông Ngô Thì Nhậm (Ngô Thời Nhiệm) ứng khẩu đối lại: “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế” (vế đối lại cũng có 5 chữ thế, nói lên được hoàn cảnh và khí phách của người anh hùng và cũng gắn chữ thời là tên đệm của Ngô Thời Nhiệm).
Sự đấu khẩu này, theo nhà nghiên cứu, giáo sư Nguyễn Quốc Trị thì “tỏ ra rất thích hợp với câu chuyện giữa ông Đặng Trần Thường và Ngô Thời Nhiệm”.

Nhà thờ dòng họ Ngô Thì tại làng Tả Thanh Oai (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội)

Ảnh: Hàm Đan

Được biết, suốt cả cuộc đời Ngô Thì Nhậm (Ngô Thời Nhiệm) hội tụ đầy đủ những phẩm chất của một người trí thức lỗi lạc và cống hiến rất lớn cho dân tộc trên nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, ngoại giao, triết học và văn học. Ông để lại di sản văn chương đồ sộ gồm trên 600 bài thơ và 15 tác phẩm. Hiện nay nhà thờ dòng họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội (trước đây còn gọi là đền Sùng Đức) có thờ Ngô Thời Nhiệm và còn lưu giữ chân dung của ông cùng cha ông là Ngô Thì Sĩ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.