Ai đã phát minh trà sữa trân châu để 'làm khổ' bao người?

15/03/2022 10:30 GMT+7

Vài thập niên gần đây, ở Việt Nam xuất hiện loại trà sữa trân châu. Thức uống này không chỉ nổi tiếng ở Trung Quốc đại lục mà còn ở Đông Nam Á, Bắc Mỹ, châu Âu... nhưng ai là nhà phát minh là điều gây tò mò.

Người Anh gọi trà sữa trân châu là Bubble tea hay Boba milk tea; còn người Trung Quốc gọi là Trân châu nãi trà (珍珠奶茶), Ba bá nãi trà (波霸奶茶) hay đơn giản chỉ là trân nãi (珍奶). Thức uống này là một hỗn hợp bao gồm trà, sữa và những viên bột sắn dai (“trân châu”).

Có nhiều loại trà sữa trân châu, tất cả đều chế biến từ trà đen, trà xanh hoặc trà ô long, đôi khi là trà trắng; chất tạo ngọt thường là sữa đặc, sữa bột, sữa đậu nành, sữa hạnh nhân, sữa dừa, sữa tách béo hoặc sữa tươi.

Xuân thủy đường nhân văn trà quán (trên) và Hàn lâm trà quán đều là thương hiệu chuỗi cửa hàng nổi tiếng ở Đài Loan và những nơi khác.

travel.walkerland.com.tw, hanlin-tea.com.tw

Trước thế kỷ 16, người dân Đài Loan ít khi kết hợp trà với chất tạo ngọt, tuy nhiên kể từ thế kỷ 17, khi người Hà Lan đến Đài Loan thì họ bắt đầu thêm sữa và đường vào trà. Khoảng thập niên 1980, trà sữa trân châu mới được phát minh, song ai là người đầu tiên sáng tạo loại trà này thì vẫn chưa biết chính xác.

Hai “nhà phát minh” cùng ra tòa vì trà sữa trân châu

Từ Đài Trung, bà Liu Han-Chieh (劉漢介), người sáng lập Xuân thủy đường nhân văn trà quán (春水 堂 人文 茶館) tuyên bố bà là người phát minh trà sữa trân châu. Vì trước đây, trong một chuyến thăm Nhật Bản, bà thấy người Nhật bán cà phê lạnh nên vào năm 1985 bà nảy sinh ý định tạo ra loại trà trân châu bằng cách đổ bột sắn dây vào trà. Những viên bột sắn đen bóng, có dạng tròn lẫn trong trà sữa trông giống như những viên trân châu đen nên loại trà này được đặt tên là "Trà sữa trân châu".

Tuy nhiên, Tu Tsong-he (凃宗和), chủ nhân của Hàn Lâm trà quán (翰林 茶館) ở Đài Nam lại khẳng định rằng chính mình là người phát minh trà sữa trân châu vào năm 1986, bằng cách thêm những viên bột sắn trắng vào trà, đó là những viên bột mà ông lấy cảm hứng từ những người bán hàng rong ở chợ địa phương Áp mẫu liêu (鴨 母 寮).

Tóm lại, dù đã kéo nhau ra tòa, song hai “nhà phát minh” này không đăng ký bằng sáng chế hay bản quyền nhãn hiệu nên không thể chứng minh chủ quyền trà sữa trân châu. Hiện nay, ngoài loại trà sữa sirô sử dụng đường tương hoặc mật ong, trà sữa trân châu đã trở thành thức uống quốc gia của Đài Loan.

Trà sữa trân châu (Boba milk tea) phổ biến nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là nước Mỹ, nơi cộng đồng người Mỹ gốc Á gọi là boba milk tea.

Kowloon House PH

Các thành phần trong trà sữa trân châu gồm có: Trân châu bột sắn (chủ yếu làm từ bột sắn dây, nhiều màu từ theo nguyên liệu chế biến, song phần lớn có màu đen vì làm từ đường nâu); thạch (có nhiều hình dạng khác nhau, chứa những hương vị như trà xanh, thạch sương sáo, thạch dừa, khoai nưa, vải thiều, xoài, cà phê hay bột đậu đỏ, đậu xanh). Ngoài ra người ta có thể sử dụng lô hội, bánh pudding trứng (sữa trứng), thạch sương sáo và bột sago để làm trà sữa trân châu.

Người ta thường dùng ly nhựa để đựng trà sữa trân châu, miệng ly là một miếng giấy kính nhựa được đóng bằng máy, có lỗ để cho ống hút nhựa lớn vào (gọi là ống boba). Một số cửa hàng còn tạo những vật chứa trà sữa thành những hình dạng độc đáo để thu hút khách hàng, thay vì chỉ sử dụng ly nhựa mang đi với nắp nhựa đóng chặt.

Người Trung Quốc gọi trà sữa trân châu là Trân châu nãi trà, Ba bá nãi trà hay đơn giản chỉ là trân nãi.

newslab.pts.org.tw, yslfood.com

Ngày nay, do ý thức bảo vệ môi trường ngày càng nâng cao nên nhiều người đã chuyển từ ống hút nhựa quen dùng sang ống thủy tinh hay inox… tuy có giá thành cao hơn nhưng không ảnh hưởng đến môi trường. Dĩ nhiên nếu sử dụng ống hút giấy để thay thế cho ống hút nhựa thì càng tốt hơn.

Cách truyền thống để pha chế trà sữa trân châu là trộn các thành phần đường, bột và các chất tạo mùi với nhau bằng cách sử dụng vật dụng lắc trà sữa bằng tay. Hiện nay, nhiều cửa hàng sử dụng máy lắc trà sữa, chỉ cần một nhân viên là có thể pha chế nhiều ly trà sữa. (Còn tiếp)...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.