Ai đang sở hữu phim của Hãng phim truyện Việt Nam?

25/03/2023 07:23 GMT+7

Hiện chưa rõ ai là chủ sở hữu những bộ phim từng là huyền thoại của Hãng phim truyện VN xưa.


Ai đang nắm quyền sở hữu các tác phẩm điện ảnh do Hãng phim truyện VN thực hiện từ trước tới nay? Đó là câu hỏi Thanh Niên nêu đi nêu lại nhiều lần tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ VH-TT-DL ngày 24.3 tại Hà Nội. Điều này vô cùng quan trọng bởi nó quyết định việc các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của hãng như Bài ca ra trận, Bao giờ cho đến tháng Mười, Chị Dậu, Chị Tư Hậu, Chung một dòng sông, Đêm hội Long Trì hay các tác phẩm mới sau này như Những người viết huyền thoại, Mùi cỏ cháy… sẽ được phổ biến ra sao.

Ai đang sở hữu phim của Hãng phim truyện Việt Nam? - Ảnh 1.

Phim Bao giờ cho đến tháng Mười trên một kênh YouTube, điều này có đúng luật?

Chụp màn hình

Đáp lại, bà Phan Linh Chi, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ VH-TT-DL), cho rằng những bộ phim đó thuộc sở hữu nhà nước. "Những bộ phim này do nhà nước bỏ tiền ra thực hiện nên thuộc sở hữu nhà nước", bà Linh Chi nói. Trước đó, bà Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL), cũng trả lời: "Theo nguyên tắc, cơ quan nhà nước nào bỏ tiền ra thì nắm quyền sở hữu".

Mặc dù vậy, các giấy phép phổ biến của nhiều bộ phim thuộc Hãng phim truyện VN đều không ghi chủ sở hữu chung chung là "nhà nước". Các giấy phép (do Cục Điện ảnh, Bộ

VH-TT-DL cấp) này đều ghi chúng thuộc quyền sở hữu của Hãng phim truyện VN. Hãng này sau cổ phần hóa đổi tên thành Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện VN (VFS). Cụ thể, giấy phép phim Vũ điệu đam mê cấp năm 2010, do Cục trưởng Cục Điện ảnh Lại Văn Sinh ký, ghi rõ: "Chủ sở hữu bản quyền: Hãng phim truyện VN". Giấy phép phổ biến phim Mùi cỏ cháy cấp năm 2011, giấy phép phổ biến phim Những người viết huyền thoại 2013 do bà Ngô Phương Lan ký, ghi: "Chủ sở hữu bản quyền: Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện VN".

Kho phim bị "nhốt"

Trả lời báo chí khi bán một số phim của VFS để chiếu trên truyền hình, Chủ tịch HĐQT VFS Nguyễn Danh Thắng từng cho biết: "Thứ nhất, VFS kế thừa toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ của Hãng phim truyện VN. Thứ hai, các bộ phim đều được Cục Điện ảnh cấp phép, ghi rất rõ Hãng phim truyện VN là chủ sở hữu bản quyền. Phim cũng được phổ biến rộng rãi trong và ngoài nước. Thứ nữa, các bộ phim khi xác định cổ phần hóa cũng đã tính giá trị để bàn giao sang công ty cổ phần. Quyền sở hữu bản quyền của chúng tôi là vô cùng rõ ràng".

Hiện tại, có thể thấy nhiều bộ phim do Hãng phim truyện VN sản xuất được chiếu trên một số kênh YouTube như Phim hay điện ảnh, Phim hay nhất. Chiều 24.3, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, xác nhận Cục Điện ảnh không hề được xin phép phổ biến trên mạng những bộ phim này. Điều này mâu thuẫn với khẳng định về bản quyền phim mà bà Phan Linh Chi đưa ra.

Trong trường hợp bà Phan Linh Chi nói các bộ phim do Hãng phim truyện VN sản xuất là của nhà nước, việc phổ biến phim mà không xin phép Cục Điện ảnh, Bộ VH-TT-DL là trái luật. Giả sử điều này là vi phạm pháp luật, tại sao Cục Điện ảnh cũng như Bộ VH-TT-DL lại không lên tiếng. Trường hợp ngược lại, tại sao bà Chi lại "nhận nhầm" bản quyền của những bộ phim này.

Thời điểm nguyên Phó thủ tướng Trương Hòa Bình còn tại vị, ông đã có kết luận đề nghị Bộ VH-TT-DL phải thu hồi cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư chiến lược. Việc thoái vốn này đang kẹt chưa biết đến bao giờ vì nhà đầu tư chiến lược chưa đưa ra số tiền phải bồi hoàn. Vì vậy, việc rõ ràng hơn về quyền sở hữu các tác phẩm càng cần được lưu tâm làm rõ. Còn nhớ, Netfix từng mua phim của hãng này về chiếu trên kênh, nhưng sau lùm xùm bị "nghi oan" chiếu lậu, họ đã không mua thêm phim của hãng này nữa. Nếu nó không thuộc về Bộ VH-TT-DL thì cũng cần công bố rõ để chủ nhân mới của phim có thể mạnh mẽ hơn trong khai thác, các đối tác muốn mua nội dung không ngại ngùng khi tiếp cận mua để phổ biến các bộ phim này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.