Trả lời cho câu hỏi trên, TS - BS Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết theo quy định hiện hành về việc cấp thuốc điều trị dự phòng nhiễm HIV thì người dân không thuộc đối tượng được cấp phát thuốc phòng nhiễm HIV.
Ông Cảnh cho hay theo Quyết định số 265/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ quy định về chế độ đối với người bị phơi nhiễm do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thuốc kháng vi rút (ARV) dùng điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV chỉ được cấp miễn phí cho các đối tượng như cán bộ y tế, cán bộ lực lượng vũ trang, tổ công tác cai nghiện... bị phơi nhiễm khi đang làm nhiệm vụ.
Tuy nhiên, ông Cảnh cho rằng, trường hợp cụ thể có thể xem xét. Ví dụ như với 7 người dân tích cực tham gia cấp cứu người bị nạn đã bị phơi nhiễm HIV trong vụ tai nạn giao thông Kon Tum hôm 30.6, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã chỉ đạo Sở Y tế Kon Tum tiến hành cấp miễn phí thuốc ARV để điều trị dự phòng cho cán bộ y tế và cả 7 người dân tham gia cấp cứu và có tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân này. Tất cả 17 cán bộ y tế và 07 người dân bị phơi nhiễm HIV khi tham gia cấp cứu nạn nhân đã được tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV và cấp thuốc ARV để điều trị dự phòng sau phơi nhiễm kịp thời.
tin liên quan
'Người hùng' chở nạn nhân TNGT không được cấp thuốc miễn phí: 'Biết HIV, tôi vẫn cứu!'Người dân phố núi xôn xao khi trên facebook tên Le Tung đăng về việc anh bị nghi phơi nhiễm HIV khi đưa nạn nhân TNGT nhiễm HIV đi cấp cứu. Ngay sau sự việc, anh bị bác sĩ nói phải mua thuốc uống chứ không được điều trị miễn phí.
Về nguy cơ bị phơi nhiễm HIV, ông Cảnh đánh giá, khi người nhiễm HIV đã được điều trị ARV từ 6 tháng trở lên thì nồng độ vi rút HIV trong máu ở mức rất thấp (dưới ngưỡng ức chế) nên khả năng lây truyền sang những người khác rất thấp. Trong trường hợp 24 người nghi phơi nhiễm nêu trên đã được điều trị dự phòng phơi nhiễm ngay do vậy hy vọng những người tiếp xúc trực tiếp với máu nạn nhân này sẽ không ai nhiễm HIV.
Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV cho hay, việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV nên thực hiện càng sớm càng tốt, tối ưu nhất trong vòng 72 giờ. Đây là thời gian tối ưu mà Bộ Y tế khuyến cáo. Việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV kéo dài liên tục trong thời gian 28 ngày. Trong thời gian này, họ cần được tư vấn để theo dõi về tác dụng phụ có thể có của thuốc ARV.
Cũng theo ông Cảnh, không nên ngừng điều trị khi có tác dụng phụ nhẹ và thoáng qua. Nếu có các tác dụng phụ nặng cần đến các cơ sở y tế ngay. Những người đang điều trị cũng được tư vấn hỗ trợ tâm lý nếu cần, tư vấn tuân thủ điều trị. Việc xét nghiệm HIV sẽ được làm lại sau 3 tháng theo quy định Bộ Y tế.
Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV lưu ý rằng mặc dù nguy cơ có thể thấp nhưng những người bị phơi nhiễm chưa loại trừ khả năng đã nhiễm HIV, do vậy họ không được cho máu, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và nếu là phụ nữ đang nuôi con nhỏ thì không cho con bú cho đến khi loại trừ được tình trạng nhiễm HIV.
"Sau 3 tháng kể từ khi dùng thuốc dự phòng thì phải xét nghiệm lại. Nếu âm tính với HIV thì có thể khẳng định chắc chắn là họ không nhiễm HIV”, ông Cảnh nhấn mạnh.
Bình luận (0)