AI giúp rút ngắn khoảng cách giàu nghèo trong tiếp cận y tế

20/01/2022 05:54 GMT+7

Hôm qua 19.1, trong khuôn khổ tuần lễ khoa học VinFuture, Quỹ VinFuture đã tổ chức tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống”, lần lượt với 3 chủ đề: Tương lai của năng lượng, Tương lai của trí tuệ nhân tạo, Tương lai của sức khỏe toàn cầu, với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của các nhà khoa học hàng đầu thế giới .

Chủ trì tọa đàm chủ đề “Tương lai của sức khỏe toàn cầu” là GS Đặng Văn Chí, Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu ung thư Ludwig (Mỹ) - một bác sĩ, nhà nghiên cứu, nhà sinh học ung thư và nhà ung thư - huyết học hàng đầu thế giới.

Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực y tế

Thanh Lâm

Một trong số các vấn đề mà các nhà khoa học tham gia tọa đàm quan tâm là khả năng cải thiện cơ hội tiếp cận y tế công bằng trong bối cảnh nền khoa học công nghệ đang có những bước phát triển vượt bậc. Theo GS Drew Weissman, Trường Y, ĐH Pennsylvania (Mỹ), thời gian tới thế giới có thể còn nhiều đợt dịch hơn nữa và nhiệm vụ tiếp theo của các nhà khoa học là tạo ra một loại vắc xin phổ quát chống lại các loại vi rút phổ biến.

Trước câu hỏi của GS Đặng Văn Chí rằng liệu có thể dùng trí tuệ nhân tạo để chẩn đoán mô hình vi rút tiếp theo, để giới y khoa chuẩn bị trước, thì nhà toán học Vũ Hà Văn (ĐH Yale, Mỹ) trả lời: “AI (trí tuệ nhân tạo) có thể được ứng dụng để mô hình hóa vi rút mới, tôi hy vọng từ đó tạo kết quả thiết thực”.

Cũng theo GS Vũ Hà Văn, AI còn giúp giảm khoảng cách giàu nghèo trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Thông thường, bác sĩ giỏi thường làm việc ở bệnh viện “giàu”. Nhưng nhờ AI mà bác sĩ trẻ, ít kinh nghiệm, làm việc ở các vùng sâu vùng xa có thể khám chữa bệnh giỏi hơn, vì thế khoảng cách chất lượng dịch vụ giữa các bệnh viện lớn với bệnh viện nhỏ ở vùng hẻo lánh được thu hẹp.

GS Robert Green, chuyên gia về y khoa và di truyền học tại ĐH Harvard (Mỹ), cũng cho rằng y học ở Mỹ hay VN, hay bất kỳ đâu trên thế giới cũng đều không được phân bổ đồng đều và công bằng, đều có sự phân biệt lớn trong chăm sóc sức khỏe. Sẽ có một nhóm người được, nhóm kia thì không, trong cách đầu tư vào y tế hoặc một loại hình chăm sóc sức khỏe nào đó. Nhưng y học chính xác (nhờ vào dữ liệu lớn và AI) đưa ra viễn cảnh hướng tới ngăn ngừa, tiên đoán, giữ gìn sức khỏe thay vì ốm rồi mới điều trị. Khi người ta không phải chi nhiều tiền chăm sóc sức khỏe thì dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế, bất kể địa vị xã hội, dân tộc, kinh tế như thế nào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.