Phản ứng của Hiệp hội Mía đường VN trước việc nhập khẩu 50.000 tấn đường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai từ Lào theo cam kết giữa 2 chính phủ và bài viết mổ xẻ toàn diện ngành đường của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú đã chính thức khơi nguồn tranh luận mở cửa cạnh tranh hay tiếp tục bảo hộ ngành này.
Không nên tiếp tục bắt người tiêu dùng phải mua đường giá cao - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Theo lãnh đạo Hiệp hội Mía đường VN, ngành đường không xin Chính phủ tăng cường các chính sách bảo hộ mà chỉ yêu cầu các cơ quan chức năng của VN thực hiện đúng lộ trình các hiệp định thương mại đã ký kết. Xung quanh vấn đề này, Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN.
* Nếu tháo dần chính sách bảo hộ bằng cách cho nhập đường ngay từ bây giờ thì rất có thể ngành mía đường trong nước sẽ gặp nguy. Nhưng nếu ta cứ duy trì thì người tiêu dùng, doanh nghiệp có sử dụng nguyên liệu đường và cả nền kinh tế tiếp tục phải mua đường giá đắt trong khi cũng chỉ khoảng 3 năm nữa chúng ta phải mở cửa hoàn toàn theo cam kết với Cộng đồng kinh tế ASEAN. Vậy theo quan điểm của ông, nên tiếp tục bảo hộ để ngành đường có thêm thời gian củng cố năng lực hay mở cửa để tạo sức ép đổi mới chính ngành này?
- Tôi cho rằng không chỉ riêng ngành đường mà tất cả các ngành đều nên mở cửa càng nhanh càng tốt. Duy trì bảo hộ chỉ khiến cho họ thêm trì trệ và không bao giờ phát triển được. Mà thực tế ngành này được bảo hộ quá lâu rồi nhưng có làm được gì đâu. Nên đến khi có "phép thử" nhập đường của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là họ bộc lộ hết mọi điểm yếu. Vậy kéo dài thêm 1, 2 hay 3 năm nữa cũng chẳng để làm gì. Tôi cho rằng cứ để cạnh tranh sòng phẳng, cứ tháo dần bảo hộ, cho nhập đường để tạo sức ép. Như vậy họ sẽ chỉ có 2 con đường, hoặc thay đổi, hoặc "chết". Nếu "chết" sẽ có người khác làm.
* Theo cam kết thì đến năm 2018, VN phải thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), nghĩa là khi đó đường ngoại mới được nhập vào nội địa với thuế suất 0%. Vậy việc nhập khẩu 50.000 tấn đường của HAGL với thuế suất bằng 0% theo cam kết giữa 2 Chính phủ VN - Lào có gì mâu thuẫn với cam kết ATIGA không thưa ông? Liệu chúng ta có phải đợi thêm 3 năm nữa như yêu cầu của hiệp hội đường không?
- Đến lúc này chúng ta đã ký rất nhiều các hiệp định đa phương, song phương và mục đích cao nhất của các hiệp định này là tự do hóa thương mại nên không có gì phải chờ đợi hết. Nếu chúng ta tiếp tục chờ, tôi chắc chắn ngành đường cũng sẽ chẳng có thêm tí năng lực cạnh tranh nào. Hơn nữa chúng ta đều thấy rõ, hậu quả của một ngành mía đường lạc hậu, trì trệ như hiện nay là do chính sách bảo hộ quá lâu. Nó không chỉ khiến cho người tiêu dùng trong nước phải mua đường đắt đỏ mà còn gây thiệt hại cho cả ngành công nghiệp mía đường của VN. Vì thế tôi ủng hộ cứ "thử" với HAGL đi, cứ cho nhập đường của họ đi. Họ cũng là người Việt, chẳng phải là "ông" nào có nguồn gốc ghê gớm gì. Điều kiện sản xuất ở Lào cũng như VN thôi. Vậy tại sao họ làm được mà mình không làm được?
* Vậy theo ông, nếu chúng ta thực sự tâm huyết, thực sự muốn làm vẫn có thể xây dựng được ngành công nghiệp mía đường cạnh tranh chứ không khó khăn đến mức như bức tranh mà ngành đường tạo ra lâu nay?
- Nếu mình thực sự muốn làm, tôi cho rằng sẽ làm được. Tất nhiên, DN yếu quá sẽ khó khăn. Cũng còn nhiều rào cản về chính sách, cơ chế cần Chính phủ tháo gỡ. Tuy nhiên, DN vẫn phải là trọng tâm, phải là chính. Quan trọng hơn, các DN ngành đường phải thay đổi tư duy. VN đã hội nhập lâu rồi. Họ phải chấp nhận cạnh tranh để vươn lên. Trong thế giới hội nhập hiện nay, cạnh tranh là tất yếu, là con đường không thể nào tránh được. Vậy thì hãy chấp nhận điều đó để xây dựng nội lực cho mình chứ đừng bám vào chiếc "phao bảo hộ". Còn cứ lúc nào cũng kêu gào "Tôi yếu lắm, Chính phủ phải hỗ trợ" thì không bao giờ làm được.
Chủ động bỏ bảo hộ càng sớm càng tốt Theo lộ trình mà VN cam kết thì đến năm 2018 tháo dỡ toàn bộ bảo hộ đường, nhưng tôi cho rằng bỏ càng sớm càng tốt cho ngành mía đường, cho nền kinh tế. Bởi chỉ có bỏ bảo hộ mới buộc doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực sản xuất, giảm giá thành để cạnh tranh và người dân được hưởng lợi. Trong cam kết là đến năm 2018 mới bỏ bảo hộ, nhưng chúng ta có thể chủ động bỏ sớm cũng không gây ra vấn đề gì. TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế Cứ dựa vào bảo hộ, sẽ bị đẩy ra ngoài Chỉ còn 9 tháng nữa thôi, vào cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế chung ASEAN sẽ chính thức được hình thành. Lúc đó, cả ASEAN là một thị trường đơn nhất, không biên giới và thừa nhận sản xuất của nhau. Nhiều DN VN đã chuẩn bị cho quá trình hội nhập rất sâu này rồi thì không cớ gì để ngành mía đường trông chờ và nhờ cậy vào bảo hộ. Nếu DN cứ dựa vào bảo hộ không sớm thì muộn cũng sẽ bị đẩy ra ngoài trong tiến trình hội nhập. Đường nhập khẩu từ Lào về thực ra cũng là đường của DN VN, có lợi cho người dân, cho nền kinh tế. Tôi cũng băn khoăn vì sao DN ở Lào làm được đường giá rẻ còn DN VN lại không? Đáng lý ra các DN Việt phải nghiên cứu chuyện này để điều chỉnh kinh doanh thay vì đòi bảo hộ. TS Phạm Văn Chắt, chuyên gia thương mại Chúng ta đã từng dỡ bảo hộ sớm hơn cam kết Khi tham gia WTO, một số mặt hàng được VN bảo hộ, trong đó có đường với mục đích bảo vệ nông dân. Nhưng từ đó đến nay lợi ích của nông dân trồng mía là hoàn toàn không có, họ vẫn bấp bênh và chính bản thân ngành mía đường cũng không thể cạnh tranh. Trong khi đó, ngành chế biến thực phẩm có triển vọng sáng sủa hơn nếu giá đường trong nước thấp, còn giá đường cao như bấy lâu nay thì ngành này chẳng có lợi gì. Vậy nên không có lý do nào để kéo dài bảo hộ, và hãy để DN cạnh tranh. Chúng ta cũng không nên ngần ngại gỡ bỏ bảo hộ sớm hơn cam kết, bởi thực tế VN đã từng làm việc này rồi, như cho nhập khẩu thịt lúc lạm phát cao. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan N.T.Tâm (ghi) |
Bình luận (0)