Người ta tin rằng Willie Lehmann là nguyên mẫu cho việc tạo ra hình tượng Stirlitz trong bộ phim truyền hình nhiều tập "17 khoảnh khắc mùa xuân" nổi tiếng.
Lehmann thực sự làm việc cho tình báo Liên Xô cho đến năm 1942, và sau đó biến mất một cách bí ẩn.
Số phận của "Stirlitz thực thụ"
Wilhelm Lehmann sinh năm 1884 gần Leipzig. Khi rửa tội, cha mẹ đặt tên con trai là Wilhelm để vinh danh vị hoàng đế tương lai (và cuối cùng) của Đức. Năm 17 tuổi, Wilhelm Lehmann tình nguyện gia nhập Hải quân, nơi anh đã phục vụ tổng cộng 12 năm. Sau khi xuất ngũ, anh đến Berlin và được một người bạn giới thiệu vào ngành cảnh sát mật. Năm 1914, vì những thành tích xuất sắc trong công việc, Lehmann được chuyển đến bộ phận phản gián của sở cảnh sát Berlin với tư cách là trợ lý cho người đứng đầu chính phủ. Bốn năm sau, đại sứ quán của Cộng hòa liên bang Xô viết Nga được mở tại Berlin, Willy Lehmann được giao phụ trách bộ phận giám sát các nhân viên sứ quán Nga.
Andrei Alexandrov, người từng là trợ lý của Leonid Brezhnev, đã kể một câu chuyện vui về vị tổng bí thư. Được biết, ngoài niềm yêu thích huân chương và ô tô, nhà lãnh đạo Liên Xô còn quan tâm đến điện ảnh, và một trong những bộ phim yêu thích của ông là "17 khoảnh khắc mùa xuân". Một lần, Brezhnev đã làm Aleksandrov bối rối với câu hỏi: “Chúng ta đã trao giải thưởng cho sĩ quan tình báo Stirlitz chưa?”. Người trợ lý ấp úng không biết phải trả lời như thế nào, Brezhnev nói ngay: “Anh lúng túng như thế chứng tỏ Stirlitz chưa có giải thưởng nào cả. Vì vậy, tôi đề nghị phong tặng Stirlitz danh hiệu Anh hùng Liên Xô”. Nhưng vì Stirlitz là nhân vật hư cấu nên cuối cùng họ nhất trí trao danh hiệu Anh hùng Lao động Xã hội Chủ nghĩa cho nam diễn viên Vyacheslav Tikhonov, người thủ vai Stirlitz một cách xuất sắc trong phim. Người ta không biết liệu Brezhnev có biết về sự tồn tại nguyên mẫu thực sự của người anh hùng mà ông yêu quý hay không. Tuy nhiên, trên thực tế thì sẽ không có cách nào để thưởng cho anh ta. Wilhelm Lehmann thực sự làm việc cho Gestapo, ông là người Đức, và đã biến mất vào năm 1942. Bí danh hoạt động của ông là "Breitenbach".
Cảnh báo chiến tranh
Sống sót sau những khó khăn của Thế chiến thứ nhất, Lehmann không muốn lặp lại xung đột với Nga và thậm chí rất cảm thông với nước Nga. Ông không đồng tình với quan điểm của Đức Quốc xã, và trong nhiều năm phục vụ trong ngành cảnh sát, ông đã vỡ mộng về nền chính trị Đức. Wilhelm Lehmann cũng không hài lòng với đồng lương khiêm tốn của mình. Theo một số báo cáo, ông bị bệnh tiểu đường và thường không có đủ tiền mua thuốc. Qua nghiên cứu hồ sơ của bộ phận mình, Lehmann đi đến kết luận rằng các đại diện của Liên Xô thực sự không tiến hành bất kỳ hoạt động lật đổ nào chống lại Đức. Điều này đã thúc đẩy ông cung cấp những thông tin quý giá cho tình báo Liên Xô vào năm 1929. Đề xuất của Lehmann đã được chấp nhận một cách tích cực: ông biết cách hành động độc lập, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, được đánh giá cao bởi sự quyết đoán và nghị lực, nhưng không liều lĩnh thiếu cơ cơ sở. Ông được cơ quan tình báo Liên Xô đánh giá là một điệp viên đẳng cấp cao.
Năm 1933, Hitler lên nắm quyền ở Đức. Bộ phận của Wilhelm Lehmann hợp nhất với cảnh sát mật, Gestapo. Vào thời điểm này, thông tin phản gián, quân sự-kỹ thuật và chính trị của Lehmann ngày càng trở nên quan trọng đối với Liên Xô. Nhiều người đã hiểu rằng chiến tranh là không thể tránh khỏi. Từ Lehmann, người hoạt động dưới bí danh "Breitenbach", ban lãnh đạo Liên Xô đã nhận được mô tả về các loại pháo mới, xe bọc thép, súng cối, đạn xuyên giáp, lựu đạn đặc biệt và tên lửa nhiên liệu rắn.
Do cái chết bất ngờ của một trong những nhân viên mạng tình báo hải ngoại Liên Xô ở Đức vào năm 1938, kết nối với Lehmann bị gián đoạn trong một thời gian dài và được khôi phục hai năm sau đó. Vào giữa tháng 3 năm 1941, ông thông báo rằng cơ quan tình báo quân đội Đức đang khẩn trương thực hiện các hoạt động chống lại Nga, và bộ máy nhà nước của Đệ tam Đế chế đang tiến hành các biện pháp động viên sức người sức của nhằm thôn tính Liên Xô.
Cuộc gặp cuối cùng của Lehmann với liên lạc viên Liên Xô Zhuravlev diễn ra ở ngoại ô Berlin vào tối ngày 19.6.1941. Với một cảm xúc bất thường, Lehmann thông báo rằng văn phòng của ông ta vừa nhận được lệnh chuẩn bị chiến dịch tấn công Liên Xô vào lúc 3 giờ sáng ngày 22.6. Thông tin này được truyền đến Moscow bằng điện tín thông qua đại sứ quán. Và đây là cuộc gặp cuối cùng với Wilhelm Lehmann.
Về cái chết của "Breitenbach"
Trong một thời gian dài, tình báo Liên Xô không biết gì về số phận của "Breitenbach". Sau chiến tranh, vợ ông nói rằng vào tháng 12 năm 1942, Wilhelm bị gọi khẩn cấp đi đến cơ quan vào lúc nửa đêm và sau đó không trở về. Khi người vợ chất vấn Gestapo thì được trả lời rằng trong chiến dịch đặc biệt, Lehmann bị ốm và ngã ra khỏi tàu. Một tờ báo của Đức Quốc xã đã đăng một cáo phó nhỏ nói rằng thanh tra cảnh sát mật Wilhelm Lehmann đã hy sinh mạng sống của mình cho quốc trưởng và Đệ tam Đế chế. Tuy nhiên, sau đó một trong những đồng nghiệp của Wilhelm đã thú nhận với vợ Lehmann rằng ông ta đã bị bắn. Điều gì thực sự đã xảy ra?
Theo thông tin trong vụ án Breitenbach, vào ngày 4/12/1942, điệp viên Beck, người được đưa đến Đức, đã được cung cấp mật khẩu để gặp Wilhelm Lehmann. "Beck" là một người cộng sản Đức đã tự nguyện đầu hàng Hồng quân ngay sau khi quân Đức tấn công Liên Xô. Sau khi kiểm tra, anh ta được huấn luyện nghiệp vụ điệp viên rồi được tung trở lại vào hậu phương của Đức. Than ôi, trong điều kiện thời chiến, anh ta không được đào tạo đầy đủ, dẫn đến thất bại. "Beck" bị rơi vào bẫy của Gestapo và Gestapo đã tương kế tựu kế phát hiện luôn được cả "Breitenbach". Kết quả là vào tháng 12 năm 1942, "Breitenbach" - Wilhelm Lehmann bị bắt và bị xử bắn sau đó ít lâu.
Bình luận (0)