Quán cà phê trả tiền tùy tâm ở TP.HCM này được một số bạn trẻ yêu thích, đặc biệt là những người thật sự muốn tận hưởng hương vị cà phê bài bản.
Trong vai khách hàng, chúng tôi đã đến địa chỉ trên vào một buổi chiều đầu tháng 11 để thỏa mãn sự tò mò của bản thân. Theo đó, quán cà phê tên Tùy Tâm nằm ở trung tâm TP.HCM. Và không gian của quán chỉ vỏn vẹn hơn 10m2. Trong tiệm có 2-3 nhân viên pha chế. Người đến thưởng thức có thể ngồi trong hoặc bên ngoài.
Anh Lực (áo đỏ) chia sẻ kiến thức cà phê cho các bạn trẻ |
T.Đ |
Cốc nhỏ Espresso |
T.Đ |
Hầu như những bạn trẻ đến quán Tùy Tâm cũng đều được anh Ôn Tấn Lực chủ quán tận tình phục vụ. Chỉ tay về những chiếc máy rang, pha cà phê hơn hàng trăm triệu đồng, anh Lực nói: “Một ly cà phê organic thì không ai bán với giá 30.000 đồng đâu. Do đó, tôi hy vọng qua mô hình cà phê tùy tâm này, những bạn không có điều kiện về tài chính có thể thưởng thức".
Cà phê ở đây không có giá, cũng chẳng có menu, chỉ cần bạn nói ra hương vị bản thân mong muốn thì nhân viên quán sẽ làm cho bạn một ly theo ý và tất nhiên sẽ không có tên…
Anh Lực mong muốn bạn trẻ đến quán anh nhiều hơn và hãy trả tiền cà phê theo cảm nhận của mình |
T.Đ |
Cũng đến đây thưởng thức, Nguyễn Trần Anh Quân (19 tuổi, SV Trường ĐH Bách Khoa, TP.HCM) có gọi món cà phê mà trong đó thêm một chút sữa tươi, sữa hạt và chúng được hòa quyện vào nhau. "Ngon, không quá béo, ngọt vừa...", Anh Quân miêu tả.
Đến quán, bạn trẻ sẽ được gọi ly cà phê theo ý của mình |
T.Đ |
Chàng trai 19 tuổi cho hay anh biết quán cà phê của anh Lực thông qua mạng xã hội, trước đây anh cũng từng có suy nghĩ "đến uống xong rồi về", nhưng bản thân lại bị thu hút bởi những câu chuyện được chia sẻ từ người chủ, anh nhân viên của quán.
"Lúc đầu tôi sợ và không dám bắt chuyện, nhưng rồi mọi người cũng như người một nhà, trao đổi rôm rả với nhau", Quân bộc bạch.
Anh Ôn Tấn Lực sinh năm 1974 ngụ ở Q.1, TP.HCM. Trước đây, anh từng khoác áo đội tuyển TP.HCM và Việt Nam từ năm 1990 đến 1997 với bộ môn quần vợt và đoạt HCB đôi nam nữ SEA Games 19 tại Jakarta 1997, 5 HCĐ liên tiếp tại các kỳ SEA Games 1993 đến 1997.
Anh Lực cho hay anh giải nghệ vì bản thân bị chấn thương đầu gối hồi năm 1997. Hiện tại, anh làm huấn luyện viên môn quần vợt. "Trước khi mở quán Tùy Tâm tôi quen nhiều bạn bè am hiểu bên lĩnh vực cà phê và mình cũng học hỏi được từ đó. Tôi hy vọng, bản thân có thể giúp các bạn trẻ, hiểu biết hơn về kiến thức cũng như cách thưởng thức cà phê", anh Lực nói.
Những chiếc máy pha cà phê hiện đại của anh Lực |
T.Đ |
Không riêng gì Anh Quân, một số bạn trẻ khác, cũng như chúng tôi đã bị cuốn vào những cuộc nói chuyện mà trong đó toàn là những kiến thức về cuộc sống, cà phê... trong khi đó, số tiền trả thức uống mình gọi thì là tùy tâm.
Tại quán cà phê của anh Lực, giá của ly cà phê do người uống quyết định, và trả theo cái tâm của mình và nếu không có tiền và quán sẽ tặng bạn ly cà phê đó.
Anh Lực nói tiếp: "Tôi không để tên, giá nước để bạn trẻ đến có cớ bắt chuyện với tôi, từ đó mọi người dễ trao đổi kiến thức cà phê với nhau hơn. Đồng thời, việc để khách trải nghiệm món mình tự chọn nguyên liệu thì họ sẽ dễ dàng nhận định rằng ly cà phê có giá bao nhiêu".
Các bạn trẻ thưởng thức cà phê tại quán anh Lực |
ĐẠI LÂM |
Anh Nguyễn Thế Hải (27 tuổi, ngụ hẻm 80 Lữ Gia, Q.11, TP.HCM) cũng hay lui tới quán của anh Lực để thưởng thức cà phê thắng thắn nói: "Đôi khi tôi uống xong gửi lại 20.000- 30.000 đồng, nhưng thực ra số tiền đó cũng chẳng là bao nhiêu đâu".
Những người tìm đến quán anh Lực muốn tìm hiểu kiến thức về cà phê |
T.Đ |
Quán của anh Lực không có khái niệm chủ, tớ. Có những bạn trẻ, sinh viên đến đây học việc miễn phí thậm chí trở thành những người bạn đồng hành cùng anh với niềm hy vọng lan tỏa kiến thức cà phê đến cho mọi người.
Anh Đại Lâm cảm thấy vui khi pha chế cà phê theo sở thích của mọi người |
T.Đ |
Chiếc hộp gỗ nhỏ "tùy tâm" |
T.Đ |
Số tiền của khách tùy tâm trả, quán sẽ lấy để mua nguyên liệu, phục vụ sinh hoạt cho nhân viên... Có thể nói, khi đến thưởng thức tại quán cà phê tùy tâm của anh Lực ở trên đường Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM, chúng tôi hiểu được cái tâm của người chủ.
Bình luận (0)