Ai nên tiêm 'mũi 5' vắc xin Covid-19?

08/05/2023 04:00 GMT+7

Gần đây, Thanh Niên nhận được câu hỏi của nhiều bạn đọc nêu vấn đề: Có nên tiêm mũi 5 vắc xin Covid-19 và ai nên tiêm? PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng VN (Bộ Y tế), cho biết:

Về mũi bổ sung (sau khi đã tiêm đủ 4 mũi) vắc xin Covid-19, thông thường với vắc xin AstraZeneca, Pfizer…, Bộ Y tế đã hướng dẫn tiêm các liều cơ bản (mũi 1 và mũi 2) và 2 mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4). Tại VN, người đã tiêm đủ 4 mũi này, nếu tiêm mũi tiếp theo thì gọi là tiêm "mũi 5". Còn thế giới không gọi là tiêm mũi 5 mà là tiêm "mũi bổ sung".

Covid-19 ngày 7.5: Thêm 1.952 ca mới

Dù vắc xin Covid-19 không giảm lây nhiễm triệt để nhưng giúp giảm nguy cơ tăng nặng; giảm nhập viện, không gây quá tải hệ thống y tế; giảm tử vong. Vắc xin Covid-19 tiêm sau 4 - 6 tháng thì miễn dịch giảm thấp, không như bệnh sởi, vắc xin sởi có miễn dịch kéo dài; hoặc người mắc bệnh sởi có miễn dịch suốt đời. Cũng có loại vắc xin cần tiêm hằng năm, như vắc xin cúm.

Với vắc xin Covid-19, các đánh giá hiện nay cho thấy cần tiêm mũi nhắc lại do miễn dịch giảm dần sau tiêm. Mũi bổ sung có thể tiêm sau 4 - 6 tháng kể từ mũi tiêm cuối trước đó.

Ai nên tiêm 'mũi 5' vắc xin Covid-19?  - Ảnh 1.

Thực tế chống dịch tại VN cho thấy hiệu quả rất lớn của vắc xin Covid-19

Ngọc Thắng

Vậy trường hợp nào cần tiêm mũi bổ sung? Mọi người tiêm thêm mũi này đều tốt để củng cố miễn dịch. Tuy nhiên, ở thời điểm này, chúng ta vẫn tập trung ưu tiên cho đối tượng nguy cơ cao, ví dụ như: người già, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, cán bộ y tế, để nếu họ bị nhiễm vi rút gây Covid-19 thì không bị chuyển nặng, hạn chế nhập viện, không tử vong.

Hiện tại nhiều tỉnh, thành phố vẫn khuyến khích mọi người tiêm mũi 5 như TP.HCM chẳng hạn, và còn tổ chức tiêm cả ngày lễ để phục vụ người dân. Các cá nhân muốn tiêm có thể liên hệ y tế xã, phường để được hướng dẫn.

Về mối lo các tác dụng không mong muốn do vắc xin Covid-19, PGS Trần Đắc Phu cho rằng trên thế giới đã tiêm hàng tỉ mũi vắc xin nhưng các báo cáo về ảnh hưởng sau tiêm vắc xin này cho thấy phân tích giữa lợi ích và rủi ro, thì vắc xin có rủi ro thấp với các phản ứng nhẹ hoặc không ảnh hưởng lớn, do đó vẫn cần dùng vắc xin.

Một số quan điểm anti vắc xin (phản đối vắc xin) do lo ngại ảnh hưởng của vắc xin với sức khỏe, theo PGS Phu, không nên lo ngại vì hiện chưa có báo cáo ảnh hưởng nghiêm trọng do vắc xin Covid-19 với hàng tỉ mũi đã tiêm. Và thực tế chống dịch tại VN cho thấy hiệu quả rất lớn của vắc xin Covid-19.

Ai nên tiêm 'mũi 5' vắc xin Covid-19?

Đánh giá miễn dịch cộng đồng

Theo PGS Phu, muốn phòng bệnh thì tiêm vắc xin, trước tiên là có miễn dịch cá thể để phòng bệnh cho bản thân và người khác.

Thứ hai, cần đạt được miễn dịch cộng đồng, vì khi nhiều người không mắc bệnh thì sẽ hạn chế nguồn lây cho người khác. Với vắc xin Covid-19, chúng ta đánh giá miễn dịch để biết việc phòng bệnh cho các đối tượng đã đạt được như thế nào.

Ví dụ như, tiêm một vắc xin mà rất nhiều người có miễn dịch thì mặc dù vắc xin không hạn chế triệt để lây nhiễm nhưng vắc xin giảm được mức độ tăng nặng, hạn chế nhập viện, hạn chế tỷ lệ tử vong.

Khi chúng ta biết được miễn dịch cộng đồng, tỷ lệ miễn dịch cao nghĩa là những người nặng, nhập viện, tử vong sẽ giảm thấp, khi đó sẽ yên tâm trong đánh giá giá trị các giải pháp phòng bệnh. Với vắc xin, sẽ cần đánh giá miễn dịch về các yếu tố như: mỗi vắc xin tiêm như thế nào, vắc xin nào đạt miễn dịch tốt, hiệu quả như thế nào với từng loại đối tượng.

Thứ ba, đánh giá miễn dịch để chúng ta đặt ra vấn đề: sẽ tiêm vắc xin theo lịch như thế nào để phòng bệnh hiệu quả tối ưu (sử dụng vắc xin gì, tiêm cho đối tượng nào, lịch tiêm) để phù hợp với thực tế miễn dịch cộng đồng.

Thực tế trên thế giới, biến chủng đang gây dịch là Omicron có khả năng lẩn trốn miễn dịch nhưng vắc xin hiện vẫn có hiệu quả nhất định, do đó vẫn cần tiêm. Vì vậy, đánh giá miễn dịch cộng đồng là quan trọng.

Trước khi tiêm, các nghiên cứu đã có thử nghiệm lâm sàng, đánh giá hiệu quả khả năng sinh miễn dịch của vắc xin sau khi tiêm, đó là tiêu chí cực kỳ quan trọng. Bây giờ tiêm xong thì cần đánh giá miễn dịch cộng đồng xem hiệu quả phòng chống dịch khi tiêm vắc xin trên diện rộng. 

Việt Nam chưa công bố hết dịch Covid-19

Theo Bộ Y tế, mặc dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu, tuy nhiên điều đó không có nghĩa Covid-19 không còn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Dịch bệnh Covid-19 vẫn được đánh giá diễn biến khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; các biến chủng mới, các tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi, xuất hiện; miễn dịch giảm theo thời gian, xu hướng dịch bệnh khó dự báo. Trên thế giới, nếu cuối tháng 3 ghi nhận 500 biến thể phụ Omicron thì hiện con số này đã lên đến 600. Các biến thể phụ lưu hành phổ biến tại các nước thì ở VN cũng đã ghi nhận.

Do đó, tại VN, các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tiếp tục được áp dụng. Đặc biệt, các địa phương đánh giá mức độ dịch, công khai tình hình dịch sẽ giúp người dân trên cả nước luôn biết được mức độ dịch, có các giải pháp phòng, chống phù hợp. Cùng với bao phủ vắc xin Covid-19 rộng, việc phòng, chống dịch linh hoạt, không áp dụng "zero Covid" như giai đoạn đầu giúp cho trong nước kiểm soát phòng, chống dịch hiệu quả và ứng phó phù hợp với tình huống dịch.

VN hiện đang tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 với hình thức quản lý bền vững. Bộ Y tế đã và đang theo dõi chặt chẽ tình hình, không để bị động trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh; đồng thời phối hợp các chuyên gia, tổ chức trong nước, quốc tế thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình nhằm chủ động có các điều chỉnh phù hợp.

Đối với người dân, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị cộng đồng chủ động đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, trên phương tiện giao thông, tại không gian kín và các địa điểm bắt buộc; khử khuẩn, nhất là vệ sinh tay; và tiêm phòng vắc xin đầy đủ. 

Nam Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.