Đây là thông tin được đại diện Bộ Tư pháp trả lời báo chí tại cuộc họp báo quý 4 hôm qua 31.12.
|
Ông Đặng Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Tổ trưởng Tổ triển khai Đề án xử lý vi phạm hành chính (VPHC) của Bộ Tư pháp thừa nhận hiện các hành vi VPHC trong lĩnh vực báo chí xuất bản bị điều chỉnh bởi nhiều nghị định về các lĩnh vực khác nhau và do Chính phủ quy định chứ không phải do các bộ ngành tự đặt ra. “Đây là vấn đề thực tiễn có thể xảy ra không riêng trong lĩnh vực báo chí mà có thể ở các ngành khác, tức là từ 130 nghị định về xử lý VPHC để hướng dẫn luật xử lý VPHC, Chính phủ rút gọn ban hành còn hơn 50 nghị định. Số lượng hành vi VPHC quy định trong các lĩnh vực, trong đó có báo chí có thể lên tới hàng mấy trăm ngàn hành vi cho nên có thể xảy ra sự trùng lặp quy định ở lĩnh vực này có thể nằm ở lĩnh vực khác”, ông Sơn lý giải.
Cách giải thích của đại diện Bộ Tư pháp chưa giải tỏa được băn khoăn của báo chí. PV Thanh Niên đưa ra ví dụ cụ thể, báo chí đưa thông tin sai về ngành y tế thì thanh tra báo chí hay thanh tra y tế xử phạt? Theo ông Đặng Thanh Sơn, trong trường hợp nói trên thì thực hiện theo nguyên tắc cơ quan nào thụ lý đầu tiên thì cơ quan đó sẽ xử phạt. “Điều này đã được các nhà làm luật lường trước nhằm tránh tình trạng nhiều cơ quan cùng giẫm chân lên nhau” (!).
“Đặc điểm của quản lý hành chính nhà nước có nhiều lĩnh vực khác nhau, không phải A là A, B là B mà các lĩnh vực nhà nước có sự chồng lấn lên nhau cho nên các nghị định mang tiếng là ở các lĩnh vực khác nhau nhưng vẫn chồng chéo nên vẫn có tình trạng một hành vi có nhiều cơ quan có thẩm quyền xử lý”, ông Sơn thừa nhận.
Ông Đặng Thanh Sơn cũng cho rằng trên thực tế sẽ có trường hợp cùng một hành vi vi phạm nhưng sẽ có hai cơ quan cùng thụ lý, để tránh chồng chéo thì cơ quan nào lập biên bản đầu tiên thì cơ quan đó sẽ được quyền... xử phạt.
Khi báo chí tiếp tục hỏi cùng một hành vi thông tin sai về giá cả nếu áp dụng theo nghị định xử phạt hành chính đối với báo chí thì mức phạt cao nhất là 30 triệu đồng nhưng theo nghị định về quản lý giá thì Bộ Tài chính có thể xử phạt 100 triệu đồng? Ông Sơn thừa nhận đây là một sự bất hợp lý và khẳng định: “Bộ Tư pháp sẽ thường xuyên nhận phản ánh và thực hiện việc rà soát, đánh giá, qua thực tiễn thấy điểm nào chưa hợp lý sẽ kịp thời tổng hợp, xử lý, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền...”.
Như Thanh Niên đã phản ánh qua loạt bài Ai cũng được phạt báo chí, quy định cho phép hàng loạt cấp, ngành được xử phạt báo chí đưa tin sai sự thật đang phá vỡ tính thống nhất về lãnh đạo và quản lý báo chí, gây rối rắm, bất khả thi và chồng chéo về thẩm quyền xử phạt.
Cân nhắc “bêu” tên người vi phạm giao thông trên báo Cũng tại cuộc họp báo, ông Đặng Thanh Sơn cho biết đề xuất của Bộ Công an về việc đưa tên người vi phạm giao thông lên báo chí đã và đang xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. “Có ý kiến cho rằng việc đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng như thế là tốt, động đến lòng tự trọng của người vi phạm, họ sẽ thấy xấu hổ và sẽ không tái phạm. Ngược lại, có ý kiến cho rằng quy định này không phù hợp với luật Xử lý VPHC, đó là khi xử phạt thì phải bảo đảm danh dự, nhân phẩm của người bị xử phạt”, ông Sơn nói và cho biết hiện các chuyên gia đang thảo luận tích cực, cân nhắc để đến khi nghị định được ban hành đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật và đảm bảo tính khả thi. |
Thái Sơn - Hoàng Trang
>> Ai cũng được phạt báo chí ?
>> Ai cũng được xử phạt báo chí? - Đi ngược xu thế chung
>> Hoạt động của báo chí giống như thi hành công vụ
Bình luận (0)