Ai phải trả tiền cho quyền khai thác tài nguyên nước?

09/04/2021 17:49 GMT+7

Bộ TN-MT mới gửi văn bản đến các tỉnh, thành phố đề nghị rà soát, đôn đốc các tổ chức cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc diện cấp phép phải hoàn thiện hồ sơ cũng như nghĩa vụ tài chính .

Theo Bộ TN-MT, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Đẩy mạnh triển khai nghị định, Bộ TN-MT gửi văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở TN-MT chủ trì, cùng với các sở, ngành liên quan tập trung nghiên cứu, quán triệt, phổ biến rộng rãi đến người dân và các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Cụ thể, theo Bộ TN-MT, các tỉnh, thành cần rà soát, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc trường hợp phải có giấy phép hoặc phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Nếu chưa, cần nộp khẩn trương nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật, tránh thất thu ngân sách nhà nước.
Bộ TN-MT cũng đề nghị xem xét, bố trí ngân sách hằng năm của địa phương ưu tiên sử dụng để bảo đảm cho hoạt động bảo vệ tài nguyên nước; cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước, giám sát hoạt động khai thác nước và các hoạt động phòng ngừa; ứng phó khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước dựa trên tổng số tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã thu.
Các công trình cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, cơ sở y tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng và các mục đích công cộng không phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp thì được tính là cấp nước sinh hoạt và không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho phần sản lượng này.

Các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch phải trả tiền cho quyền khai thác nước

Ảnh Ngọc Dương

Dẫn quy định tại Nghị định 41, Bộ TN-MT cho biết, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, gồm: khai thác nước mặt để phát điện; khai thác nước mặt để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt.
Với khai thác nước dưới đất, các loại hình sau cũng phải trả tiền: phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp (bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt); khai thác nước dưới đất (trừ nước lợ, nước mặn) để nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác với quy mô từ 20 m3/ngày đêm trở lên.
Căn cứ để tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là theo mục đích sử dụng nước và chất lượng nguồn nước. Chất lượng nguồn nước được xác định theo phân vùng chất lượng, phân vùng chức năng nguồn nước hoặc chất lượng thực tế nguồn nước khai thác.
Theo Bộ TN-MT, về thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, với nước mặt, xác định theo khu vực nguồn nước mặt được khai thác. Đối với nước dưới đất, xác định theo loại hình công trình khai thác (giếng khoan, giếng đào, hố đào, hành lang, mạch lộ, hang động); trường hợp công trình là giếng khoan thì xác định theo chiều sâu khai thác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.