Ai thắng trong cuộc chiến Gaza?

01/02/2009 23:13 GMT+7

Hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc xung đột tại Dải Gaza vừa qua là những người chủ trương cứng rắn thuộc cả hai bên tham chiến: phong trào Hamas và Israel.

Theo hãng tin AP, Hamas đã tuyên bố giành thắng lợi trong cuộc chiến kéo dài 22 ngày với Israel vốn kết thúc bằng các tuyên bố ngừng bắn riêng rẽ hồi cuối tháng trước. Trong khi đó, đảng của cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người có quan điểm cứng rắn, đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò khi chỉ còn hơn 1 tuần là diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội ở nước này.

Các nhà chiến lược của Israel nói rằng chiến dịch quân sự, vốn được thực hiện nhằm ngăn Hamas bắn rốc-két sang lãnh thổ Israel và chuyển vũ khí vào Gaza, đã giáng một đòn nặng nề cho Hamas. Tuy nhiên, nó vẫn chưa đưa đến một sự dàn xếp lâu dài và xung đột có thể nổ ra bất kỳ lúc nào. Lệnh phong tỏa quốc tế được áp đặt tại Gaza đã không đẩy được Hamas ra khỏi vị trí quyền lực mà họ giành được hồi tháng 6.2007. Cuộc chiến vừa qua đã không ảnh hưởng nhiều đến khả năng hồi phục của Hamas. Những đường hầm mà Hamas dùng để vận chuyển vũ khí vẫn hoạt động. Sự ủng hộ dành cho Hamas cũng đang tăng lên ở thế giới Hồi giáo và nhiều nước phương Tây. Trong khi đó, các lãnh đạo Palestine ôn hòa đứng đầu là Tổng thống Mahmoud Abbas đã bị mất uy tín cùng với chính sách được Mỹ ủng hộ là thành lập nhà nước Palestine qua thương thuyết.

Theo các chuyên gia, cuộc chiến tại Gaza đã làm thay đổi nền chính trị Trung Đông theo những cách không thể đoán được. Thế giới đang được yêu cầu đóng góp 2 tỉ USD để tái thiết Gaza và điều này mở ra khả năng Hamas hợp tác với chính quyền của ông Abbas, vốn là đối thủ của Hamas, trong việc tái thiết lãnh thổ này. Công việc tái thiết sắp tới cũng có thể khiến hành động phong tỏa chống Hamas trở nên khó bền vững. Trong khi đó, chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Barack Obama, vốn mong muốn hàn gắn quan hệ với thế giới Hồi giáo, có thể hưởng lợi nếu chấp nhận Hamas có vai trò trong chính quyền Palestine. Cựu Thủ tướng Tony Blair, đặc phái viên Bộ tứ về vấn đề hòa bình Trung Đông, trong bài phỏng vấn trên báo The Times hôm 30.1 cũng cho rằng Hamas nên là một phần của tiến trình hòa bình. Theo AP, Hamas hiện vẫn chưa tỏ dấu hiệu sẵn sàng thỏa hiệp để các cửa ngõ ra vào Gaza được mở lại, bởi để có được điều này, họ hầu như không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc ngừng buôn lậu vũ khí và bắn rốc-két vào Israel. Hôm 31.1, lại xảy ra một vụ bắn rốc-két từ Gaza sang thành phố Ashkelon.

Về phần mình, Tổng thống Abbas hiện đang đối mặt với khả năng Hamas sắp tới có thể hướng sự chú ý sang Bờ Tây, nơi phong trào Fatah của ông Abbas “đóng đô” kể từ sau khi bị hất khỏi Gaza. Ông Abbas cũng có thể phải làm việc với ông Netanyahu thuộc đảng Likud, được dự đoán sẽ giành được nhiều hơn 5 ghế so với đối thủ gần nhất là đảng Kadima của Ngoại trưởng Tzipi Livni trong cuộc bầu cử vào ngày 10.2 tới. Ông Netanyahu cho rằng Hamas phải bị lật đổ và sẽ phản đối một thỏa thuận về biên giới mà ông cho là sẽ giúp củng cố quyền lực Hamas ở Gaza. Ông Netanyahu sẽ được ủng hộ rộng rãi vì duy trì quan điểm cứng rắn. Nhiều người Israel coi cuộc chiến ở Gaza là một bài học về sự cần thiết khống chế những người Hồi giáo cực đoan.

Trùng Quang

> Israel lại tiếp tục pháo kích Dải Gaza 
> 
Israel hoàn tất rút quân khỏi Gaza 
> 
Khi chiến tranh qua đi ở Gaza 
> 
Tăng tốc đàm phán ngừng bắn ở Gaza  
> 
Mịt mờ hồi kết cuộc khủng hoảng Gaza 
> 
Thông qua nghị quyết ngừng bắn ở Gaza 
> 
Xung đột ở Gaza có thể lan rộng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.