Lộ diện thêm một loạt "gói thầu Covid-19"
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, không chỉ có máy xét nghiệm Covid-19 (Realtime PCR), vừa qua mỗi tỉnh, thành phố đã chi từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng để mua sắm vật tư, hoá chất, sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Đa số các gói thầu này được chỉ định thầu và công ty trúng thầu nay đều nằm trong "tầm ngắm" của các cơ quan thanh, kiểm tra và công an. Trong đó, đáng chú ý nhất là Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông, do bác sĩ Nguyễn Xuân Thành làm tổng giám đốc. Trong vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, một nhân viên công ty này đã bị bắt.
Theo hồ sơ từ hệ thống đấu thầu quốc gia, ngày 23.4, Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông còn trúng gói thầu số 3: “Mua sắm máy chụp X-quang di động kỹ thuật số” của Sở Y tế TP.Hải Phòng với giá trị 14 tỉ đồng.
Tại Bệnh viện đa khoa Hải Dương, ngày 21.4, Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông cũng trúng gói “Cung ứng vật tư thận nhân tạo phục vụ công tác chuyên môn” gần 1 tỉ đồng và gói “Mua lô vật tư tiêu hao phục vụ công tác chuyên môn” hơn 600 triệu đồng. Trong khoảng thời gian ngắn, công ty này thậm chí đã tham gia 30 gói thầu và trúng 26 gói.
Còn Công ty TNHH Thiết bị y tế và khoa học Tâm Việt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) do ông Ngô Bá Bình làm giám đốc, trúng gói thầu “Mua vật tư, hoá chất, sinh phẩm cho công tác xét nghiệm Labo tỉnh phục vụ phòng dịch Covid-19 của CDC Lào Cai” ngày 14.4, giá trị hơn 1 tỉ đồng.
Tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, công ty này trúng gói “Mua sinh phẩm, vật tư, hoá chất xét nghiệm SARS-CoV2 và một số tác nhân khác gây bệnh đường hô hấp cấp tính” hơn 3,7 tỉ đồng.
Tại Ninh Bình, Công ty TNHH Thiết bị y tế và khoa học Tâm Việt cung cấp hệ thống xét nghiệm Realtime PCR với mức giá trúng khoảng 7,8 tỉ đồng. Công ty này đã từng liên danh với 20 nhà thầu trong 17 gói thầu và thắng thầu cả 17 gói.
Ngoài TNHH Thiết bị y tế và khoa học Tâm Việt, Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông, một loạt các công ty khác như Công ty CP Thương mại và Đầu tư Giải pháp Việt, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc, Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST) cũng trúng thầu nhiều gói thầu độc lập tại Thái Bình, Quảng Nam…
|
Chỉ định thầu, thẩm “loạn” giá
Có thể thấy, nguyên nhân chính dẫn tới việc "loạn" giá các máy xét nghiệm Covid-19 nằm ở việc chỉ định thầu và thẩm định giá.
Trong vụ việc tại CDC Hà Nội, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty CP Định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành.
Bị can Duy đã định giá, thông đồng với các đối tượng nâng khống từ 2,3 tỉ đồng lần tới gần 7 tỉ đồng 1 hệ thống Realtime PCR. Trong vụ này, Giám đốc CDC Hà Nội đã bị bắt, còn với các tỉnh, thành còn lại mua máy với mức giá tương tự thì sao?
Theo quy định tại khoản 1 điều 22 luật Đấu thầu và Thông tư 58, các gói thầu trên được phép chỉ định thầu, để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng như đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, chỉ định thầu ở đây không có nghĩa là không đấu giá. Luật cũng bắt buộc các đơn vị phải thuê thẩm định giá, yêu cầu nhà thầu lựa chọn sản phẩm với mức giá phù hợp với giá thị trường trong và ngoài nước. Sau khi thẩm định giá đưa ra ý kiến, cần phải có hội đồng hoặc tổ thẩm định giá để lựa chọn mức giá hợp lý nhất.
Do đó, theo các chuyên gia, trong trường hợp để “loạn” giá đầu tiên phải kể đến vai trò của người phê duyệt chỉ định nhà thầu và công ty thẩm định giá. Tiếp đó là thành viên các hội đồng hoặc tổ thẩm định giá tại các đơn vị, địa phương.
Đáng nói, việc "thổi" giá, nâng khống trong thẩm định giá đã trở thành một trong những lỗ hổng nguy hiểm nhất, để các đối tượng luồn lách, lợi dụng rút ruột ngân sách.
Điển hình nhất là vụ án mua bán Công ty AVG, Võ Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX, đã nhắm mắt ăn tiền "thổi" giá Công ty AVG tăng gấp cả chục lần.
Lỗ hổng trong vụ AVG chưa được bịt lại thì tình trạng này tiếp tục xảy ra tại các gói thầu mua sắm thiết bị y tế chống dịch Covid-19.
Cơ quan chức năng không chỉ rà soát, thanh kiểm tra gói thầu mua sắm các thiết bị Realtime PCR mà phải mở rộng đối với tất cả gói thầu vật tư, hoá chất, sinh phẩm. Từ đó làm rõ xem có hay không việc thông đồng, “thổi giá”, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Bình luận (0)