Hãng công nghệ Akamai, trụ sở tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts (Mỹ) hồi tháng 6 đã công bố báo cáo cho thấy Trung Quốc là nước xuất phát của 27,24% tổng số các cuộc tấn công mạng trên thế giới trong quý 1 năm 2016.
Trong khoản thời gian này, Akamai thống kê được tổng cộng 4.523 cuộc tấn công mạng bằng hình thức DDoS (sử dụng nhiều máy tính gửi yêu cầu thông tin đến một máy mục tiêu làm máy mục tiêu quá tải, không xử lý nổi dẫn đến bị treo và khởi động lại). Mỹ là nước xếp thứ hai với 17% và Thổ Nhĩ Kỳ là nước đứng ba với 10%.
Trong cả năm 2015, Trung Quốc cũng là nơi xuất xứ của nhiều cuộc tấn công mạng nhất trên thế giới (ngoại trừ quý 3 do Anh dẫn đầu) với đỉnh điểm là quý 2 với 37%. Tuy nhiên, Akamai cũng khuyên rằng cần lưu ý đến việc các tin tặc có thể địa chỉ IP ở nước khác để thực hiện cuộc tấn công mạng, nhằm che giấu địa chỉ IP thực sự của mình.
|
Trò chơi trực tuyến là ngành bị tấn công nhiều nhất trong quý 1 năm 2016 với 55%. Kế đến là ngành công nghệ và phần mềm với 25%. Các ngành còn lại chỉ chiếm từ 6% trở xuống. Bên cạnh đó, báo cáo còn chỉ ra rằng hầu hết các cuộc tấn công mạng đều bắt nguồn từ các hacker hoạt động đơn lẻ hoặc nhóm tin tặc chưa rõ danh tính.
Hồi tháng 6, tờ Telegraph dẫn báo cáo của hãng an ninh Rapid7 cho thấy Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương do các cuộc tấn công mạng, xếp thứ 50.
An ninh mạng đã trở thành lĩnh vực quan trọng trong thời đại công nghệ phát triển. Các tổ chức, công ty đang càng ngày càng gặp khó khăn hơn trong việc phòng vệ chống lại các cuộc tấn công mạng. Hình thức tấn công không cần đụng đến súng ống này ngày càng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho các tổ chức chính phủ, doanh nghiệp, kinh tế…
Để đề phòng các cuộc tấn công kiểu này, các công ty cần nâng cấp hệ thống an ninh mạng như cách mà chính quyền các nước như Mỹ, Canada, Úc đã làm, theo tạp chí Gulf Business dẫn lời các chuyên gia.
Tại Việt Nam, chiều 29.7, trang web của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) bị tin tặc tấn công. Cụ thể trang chủ của Vietnam Airlines bị thay đổi giao diện và thông tin ghi rõ trang đã bị nhóm hacker 1937cn phá hoại, kèm theo đó là những lời công kích mang nội dung xấu.
tin liên quanChuyên gia an ninh mạng: Tin tặc không dễ phá hoại an toàn bay ở Việt NamÔng Võ Đỗ Thắng, giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, cho biết, theo nguyên tắc, hệ thống điều khiển bay không được kết nối internet như hệ thống thông tin, do đó, tin tặc muốn xâm nhập hệ thống điều khiển bay là rất khó.
Cùng lúc đó, tin tặc cũng đã tấn công hệ thống thông tin ở các Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Theo đó, màn hình quảng cáo tại khu vực làm thủ tục chuyến bay tại những nơi này đã bị chèn hình ảnh và nội dung, câu chữ xúc phạm Việt Nam và Philippines. Đồng thời tin tặc cũng can thiệp hệ thống thông tin phát thanh tại sân bay.
Vụ tấn công mạng này đã gây ra ảnh hưởng cho hoạt động của các sân bay và hãng hàng không Vietnam Airlines. Cụ thể, các quầy làm thủ tục tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất đã sử dụng hình thức check-in bằng tay và loa thông báo. Vì thế, nhiều chuyến bay đã bị ảnh hưởng, chậm giờ do phải kéo dài thời gian làm thủ tục. Tại Tân Sơn Nhất, nhân viên làm thủ tục của các hãng hàng không phải viết tay hoàn toàn làm thủ tục check-in cho khách hàng do hệ thống đã được đóng, cách ly để cơ quan an ninh điều tra. Hãng hàng không Vietjet cho biết, sự cố khiến các chuyến bay từ 16 giờ ngày 29.7 bị chậm trên dưới 1 tiếng.
|
Bình luận (0)