Albania mở lại sân bay thời Liên Xô cũ, đón các tiêm kích NATO

05/03/2024 09:27 GMT+7

Sân bay thời Liên Xô cũ tại Albania vừa mở cửa lại sau thời gian tu sửa để làm trung tâm phục vụ các tiêm kích thuộc khối NATO.

Albania mở lại sân bay thời Liên Xô cũ, đón các tiêm kích NATO- Ảnh 1.

Căn cứ không quân được cải tạo tại thành phố Kucova ở Albania

REUTERS

Trang Defense News ngày 5.3 đưa tin Albania vừa mở lại một căn cứ không quân từ thời Chiến tranh lạnh nhưng đã được cải tạo để làm nơi tiếp đón các máy bay phản lực của NATO trong bối cảnh lo ngại gia tăng ở vùng Balkan về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Nga.

Các máy bay chiến đấu Eurofighter của Ý cùng các máy bay F-16 và F-35 của Mỹ đã bay đến dự lễ khánh thành căn cứ ở Kucova, cách thủ đô Tirana 80 km về phía nam.

Albania mở lại căn cứ không quân để đón các tiêm kích NATO

Kucova từng mang tên Stalin khi Albania là đồng minh với Liên Xô cũ trong Chiến tranh lạnh.

"Đây là căn cứ sẽ bổ sung một bộ phận an ninh khác cho khu vực Tây Balkan mà tất cả chúng ta đều biết đang gặp nguy hiểm trước mối đe dọa và tham vọng của Liên bang Nga", Thủ tướng Albania Edi Rama phát biểu tại lễ khánh thành.

Dự án mở lại căn cứ đã bắt đầu được triển khai ngay trước khi Nga đưa quân sang Ukraine và trở nên cấp bách kể từ khi Moscow kêu gọi tinh thần chống phương Tây ở vùng Balkan.

NATO cho biết việc nâng cấp trị giá 54 triệu USD tại căn cứ từ thời Chiến tranh lạnh sẽ cho phép nơi này hỗ trợ các nhiệm vụ hậu cần, hoạt động trên không, huấn luyện và tập trận của NATO với đường băng dài 1.931 m.

"Việc cải tạo căn cứ không quân Kucova là một khoản đầu tư chiến lược và cho thấy NATO tiếp tục tăng cường hiện diện ở phía tây Balkan, một khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với liên minh", theo quyền phát ngôn viên NATO Dylan White.

Albania không vận hành máy bay chiến đấu phản lực nhưng hôm 4.3 nước này đã bay máy bay không người lái Bayraktar TB2 mới tại buổi lễ. Albania đã mua 3 chiếc máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2022.

Albania gia nhập NATO vào năm 2009 và đang nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU), trong khi quốc gia Balkan khác là Serbia lại duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga và Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.